ĐBP - Theo quy định của tỉnh, mỗi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) phải phấn đấu có 2 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Vì vậy, các xã ngay sau khi được công nhận NTM đã triển khai xây dựng thôn, bản NTM kiểu mẫu. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân đồng thuận cao, việc xây dựng mô hình thôn, bản NTM kiểu mẫu mang lại kết quả tích cực.
Về thôn Chế Biến, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên), chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ rệt với các tuyến đường giao thông nội thôn, đường nội đồng đã bê tông rộng rãi, sạch sẽ; hai bên đường nhà tầng mọc lên san sát, ngập tràn sắc hoa. Thôn Chế Biến có 102 hộ với gần 385 nhân khẩu. Năm 2018, xã Thanh Luông được công nhận đạt chuẩn NTM, đến năm 2019, thôn Chế Biến đã chủ động đăng ký với xã xây dựng thành thôn NTM kiểu mẫu. Để thực hiện mục tiêu này, chi bộ, chính quyền thôn đã bám sát các tiêu chí xây dựng thôn, bản NTM kiểu mẫu; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, quan điểm lãnh đạo xuyên suốt là huy động sự đồng tình, tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng thôn NTM kiểu mẫu.
Với cách làm này, thôn Chế Biến đã huy động được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Từ năm 2018 đến nay, người dân trong thôn đã tự nguyện hiến 1.000m2 đất vườn mở rộng đường ngõ xóm từ 1,5m lên 2,5m; đóng góp gần 50 triệu đồng để lắp đặt hệ thống đèn đường. Cùng với đó, các tổ chức hội, đoàn thể tham gia dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh hai bên đường để đảm bảo môi trường. Ông Đinh Trọng Duy, Bí thư Chi bộ thôn Chế Biến cho biết: Hàng tháng chi bộ sinh hoạt, đề ra nghị quyết giao các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp; thực hiện mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”, tập trung cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở mang các ngành nghề, dịch vụ.
Sau hơn 3 năm xây dựng NTM kiểu mẫu, thôn Chế Biến đã đạt 26/26 chỉ tiêu và 6 tiêu chí NTM kiểu mẫu theo quy định về bộ tiêu chí thôn, bản NTM kiểu mẫu. Chất lượng đời sống người dân trong thôn không ngừng được cải thiện và nâng lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm; không có hộ nghèo, trong khi đó tỷ lệ hộ giàu trên 70%; tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 100%; tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động có khả năng lao động đạt trên 96%; tất cả các hộ dân trong thôn đều có nhà xây kiên cố và được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Xác định xây dựng thôn NTM kiểu mẫu là nâng cao mức sống, mức hưởng thụ cho người dân, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Chi bộ thôn 7, xã Thanh Xương đã phát huy tinh thần gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên đi đầu trong mọi hoạt động, lựa chọn những cách làm hay, sáng tạo để cùng nhân dân chung sức đồng lòng xây dựng thôn NTM kiểu mẫu. Từ năm 2019 đến nay, người dân trong thôn đã đóng góp 800 triệu đồng và tự nguyện hiến hơn 800m2 đất vườn để mở rộng mặt đường ngõ xóm. Cùng với đó, các tổ chức hội, đoàn thể còn trực tiếp đôn đốc, điều hành việc thắp sáng đèn đường, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường khu vực sinh sống. Hiện, thu nhập bình quân đầu người thôn 7 đạt trên 55 triệu đồng/năm... Với sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, năm 2020, thôn 7 đã được công nhận thôn NTM kiểu mẫu và trở thành một trong những thôn NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh được công nhận.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 83 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM; trong đó có 34 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chủ yếu trên địa bàn huyện Điện Biên. Kết quả xây dựng thôn, bản NTM kiểu mẫu thời gian qua đã thực sự nâng cao chất lượng đời sống người dân, góp phần xây dựng NTM bền vững trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu theo quy định mỗi xã đạt chuẩn NTM phải có 2 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu thì đến nay nhiều xã chưa đạt được. Chiếu theo quy định trên thì hiện nay toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn NTM, thì sẽ phải có 42 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, chứ không phải 34 thôn, bản như hiện có.
Để đạt NTM kiểu mẫu, các thôn, bản phải đáp ứng 26 chỉ tiêu thuộc 6 tiêu chí của Bộ tiêu chí thôn bản NTM kiểu mẫu theo Quyết định số 136/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Trong đó, có những tiêu chí rất khó đạt, như: Thu nhập bình quân đầu người/năm của thôn, bản tại thời điểm xét phải lớn hơn hoặc bằng 1,5 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người/năm của xã tại thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tương tự, với tiêu chí hộ nghèo phải nhỏ hơn hoặc bằng 3%, trong khi các thôn bản, nhất là ở vùng cao tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thường lớn. Bên cạnh đó, thời gian qua một số thôn, bản thực hiện sáp nhập làm tăng tỷ lệ hộ nghèo, nhà văn hóa không đáp ứng nhu cầu khiến tiêu chí về hộ nghèo và cơ sở vật chất văn hóa chưa đạt... Đặc biệt, các tiêu chí này lại càng khó khăn hơn đối với các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, như trên địa bàn xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé).