ĐBP - Huyện Mường Nhé xác định triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững là cơ hội, tiền đề để đồng bào các dân tộc thiểu số có thêm tư liệu sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, ngay từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đã huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trọng tâm, trọng điểm. Các chương trình, dự án về giảm nghèo đã được triển khai tích cực, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các chương trình, dự án khác. Kết cấu hạ tầng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, hệ thống điện - đường - trường - trạm, các công trình phúc lợi được đầu tư đồng bộ, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Các chương trình, dự án khi triển khai đã từng bước phát huy hiệu quả, mở ra cơ hội để người nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, tự tạo việc làm và có thu nhập ổn định.
Như trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang được huyện Mường Nhé thực hiện tương đối hiệu quả. Hàng năm, UBND huyện Mường Nhé chỉ đạo các xã tiến hành rà soát, lập danh sách người lao động có nhu cầu học nghề, ban hành kế hoạch và triển khai công tác đào tạo nghề đảm bảo phù hợp với nhu cầu và điều kiện của lao động. Những nghề có nhu cầu đăng ký và chủ yếu là: Kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng thâm canh cây ăn quả; sửa chữa xe máy. Tổng số lao động nông thôn được đào tạo các cấp, trình độ từ đào tạo dưới 3 tháng đến cao đẳng là gần 4.000 người. Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề có trên 3.400 lao động có việc làm; trong đó số gia đình có người tham gia học nghề trở thành hộ có thu nhập khá giả đạt gần 600 hộ. Hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn huyện đạt khoảng 45% và lao động qua đào tạo có chứng chỉ trở lên đạt khoảng 25%.
Song song với đó, huyện Mường Nhé cùng với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã phối hợp với chính quyền các địa phương, các hội, đoàn thể gắn công tác tuyên truyền về chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nhằm nâng cao thu nhập của người dân. Đến nay tổng dư nợ cho vay tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Mường Nhé đạt trên 300 tỷ đồng, với gần 6.500 khách hàng đang còn dư nợ. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã có cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu, qua đó, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Một trong những yếu tố không thể thiếu trong xây dựng nông thôn mới là vai trò chủ thể của người dân. Xác định điều này, trong quá trình thực hiện Mường Nhé đã đẩy mạnh tuyên truyền từ huyện tới cơ sở để người dân nhận thức rõ hơn về chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông Chu Go Che, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé cho biết: “Phát huy vai trò của mình, MTTQ xã tuyên truyền, vận động nhân dân các kế hoạch, quyết định của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, các mục tiêu, tiêu chí của chương trình đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất, góp công tích cực hưởng ứng chủ chương là Nhà nước và Nhân dân cùng làm trong thực hiện các công trình tại địa phương. Không chỉ vậy, với các tiêu chí không đòi hỏi quá nhiều nguồn lực, MTTQ xã tuyên truyền vận động nhân dân chủ động thực hiện, như: Giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, bài trừ các phong tục lạc hậu; vận động nhân dân vệ sinh môi trường, giữ sạch các tuyến đường của bản...”.
Có thể thấy rằng, quá trình triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mường Nhé đã có sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và người dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên đổi mới nội dung lãnh đạo, xác định đúng nội dung, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện trong xây dựng nông thôn mới. Các nội dung trọng tâm cần tập trung được xác định rõ, tránh dàn trải; thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới theo phương châm, dễ làm trước, khó làm sau, hoàn thành tiêu chí nào chắc tiêu chí đó. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Trong giai đoạn này, huyện tập trung vào các tiêu chí phụ thuộc vào các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, như: Tiêu chí về nhà ở, tiêu chí về giao thông, tiêu chí về điện. Cùng với đó, huyện cũng dồn sức vào thực hiện một số tiêu chí khó thực hiện, như tiêu chí hộ nghèo, phấn đấu mỗi năm giảm từ 4 - 5%. Để làm được điều đó, huyện tập trung vào các Nghị quyết của Huyện ủy như chăn nuôi đại gia súc, phát triển nông lâm nghiệp, tập trung vào một số xã trọng điểm để cố gắng giảm tiêu chí hộ nghèo một cách nhanh nhất...”.