ĐBP - Thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), nhất là đối với người dân ở khu vực vùng cao vẫn diễn ra. Điều này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông mà còn thể hiện tinh thần, ý thức chấp hành quy định pháp luật của người dân chưa cao. Trước thực trạng này, lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những năm gần đây, hạ tầng giao thông tỉnh ta không ngừng được đầu tư, phát triển đem lại sự thay đổi tích cực cho bộ mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Nhờ có các tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa, người dân dễ dàng sắm sửa, sử dụng phương tiện để đi lại, giao thương. Thế nhưng đi cùng với sự phát triển đó, có cả những hệ lụy về mất ATGT do ý thức và tinh thần thượng tôn pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Nhiều người khi bước lên xe, nhất là xe mô tô, xe gắn máy; chưa kể đến giấy tờ thủ tục hành chính để đủ điều kiện điều khiển phương tiện mà ngay đến cái mũ bảo hiểm để bảo vệ bản thân cũng không đội. Thậm chí khi điều khiển phương tiện còn sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho bản thân cũng như người cùng tham gia giao thông.
Tại huyện Mường Ảng, thống kê của Công an huyện năm 2021, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm Luật Giao thông đường bộ đối với 1.186 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước gần 250 triệu đồng; tạm giữ 362 giấy phép lái xe và đăng ký xe; xác minh, làm rõ 7 trường hợp học sinh không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe bốc đầu đăng tải lên mạng xã hội. Đại úy Lường Đình Tước, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự và cơ động (Công an huyện Mường Ảng) cho rằng, hiện nay cơ bản nhận thức của nhân dân được nâng lên, tuy nhiên trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng vẫn phát hiện tình trạng vi phạm hoặc chấp hành theo kiểu chống đối (khi có lực lượng chức năng thì chấp hành tốt, còn không thì tiếp tục vi phạm - PV), trong đó phổ biến nhất là các hành vi: Tham gia giao thông bằng xe mô tô nhưng không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định; đi ngược chiều đường của đường một chiều và đỗ dừng xe không đúng nơi quy định… Đơn vị đã xác định, xử phạt hành chính, tạm giữ phương tiện, bằng lái xe chỉ mang yếu tố răn đe; còn để người dân thật sự hiểu luật và chấp hành mới là vấn đề quan trọng. Vì vậy, hàng năm, đơn vị đã đa dạng công tác tuyên truyền, như: Tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trực tiếp tại các khu dân cư, trường học; truyên truyền qua tranh ảnh, khẩu hiệu, pa nô áp phích… Qua đó, ý thức chấp hành luật của người dân dần được cải thiện. Năm qua, toàn huyện chỉ xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông, không có trường hợp tử vong.
Cũng như huyện Mường Ảng, thực trạng người tham gia giao thông, nhất là người dân vùng cao ở các huyện, thị trên địa bàn tỉnh chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ vẫn còn diễn ra. Trước tình hình đó, cùng với các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng văn hóa giao thông tại các khu dân cư; xây dựng và nhân rộng các tổ dân phố, khu dân cư tự quản; đoạn đường tự quản về an toàn giao thông, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông”… Từ đó giúp người dân nhận ra việc đảm bảo an toàn giao thông là trách nhiệm của mỗi người và tự giác chấp hành.
Thượng tá Trần Văn Vang, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) cho biết, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản hơn 11.500 trường hợp vi phạm. Trong đó, lỗi vi phạm phổ biến nhất là không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, chở quá số người quy định, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa. Nhằm hạn chế tối đa tình trạng này, Phòng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, theo Thượng tá Trần Văn Vang, ngoài nỗ lực của lực lượng cảnh sát giao thông, việc nâng cao nhận thức cho người dân rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Cùng với đó, mỗi người dân cũng phải tự mình nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm để trở thành người tham gia giao thông có văn hóa.