Cùng suy ngẫm

Lỗ hổng về xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ

Thứ Hai 16:25 25/12/2023

Hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ lưu hành tràn lan trên thị trường trong thời gian qua đã và đang gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng.

 

Cán bộ Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình kiểm tra tem nhãn rượu không rõ nguồn gốc bị thu giữ. (Ảnh: Hương Giang)

Lợi dụng chính sách “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", một số đối tượng kinh doanh đặt mua hàng giả, hàng hóa không bảo đảm chất lượng sản xuất từ nước ngoài về gắn nhãn mác Việt Nam, rồi tung ra thị trường.

Trong 9 tháng năm 2023, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 4.000 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tăng hơn 126%, so với cùng kỳ năm 2022. Từ năm 2022 đến tháng 11/2023, lực lượng hải quan cả nước đã phát hiện, xử lý gần 100 vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ với tổng trị giá hàng hóa hơn 18 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có một số đối tượng, cơ sở nhập khẩu nguyên bản hàng hóa nước ngoài rồi đóng nhãn mác ghi xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản để lừa dối người tiêu dùng.

Đáng chú ý, giao thức kinh doanh thương mại điện tử phát triển bùng nổ tại Việt Nam cũng góp phần hỗ trợ hoạt động mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ bằng cách lợi dụng loại hình chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế, làm cho lực lượng chức năng rất khó xử lý vi phạm.

Trong 9 tháng năm 2023, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 4.000 vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tăng hơn 126%, so với cùng kỳ năm 2022. Từ năm 2022 đến tháng 11/2023, lực lượng hải quan cả nước đã phát hiện, xử lý gần 100 vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ với tổng trị giá hàng hóa hơn 18 tỷ đồng.

Tuy vậy, công tác đấu tranh chống buôn lậu hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ còn gặp không ít khó khăn do các quy định của pháp luật còn nhiều vướng mắc.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan từng chia sẻ thông tin đáng quan tâm: Mặc dù số vụ phát hiện bắt giữ về vi phạm sở hữu trí tuệ nhiều, nhưng chưa thể xử lý hình sự vụ nào vì theo Điều 192 của Bộ luật Hình sự, hình thức xử lý này chỉ áp dụng cho hành vi sản xuất hàng giả, buôn bán hàng giả, không áp dụng cho hàng giả về sở hữu trí tuệ.

Đối với hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quá cảnh, xuất khẩu, cả Luật Hải quan và Luật Sở hữu trí tuệ chưa có quy định thống nhất về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan và xử lý... Chính cơ chế quản lý lỏng lẻo, chồng chéo trên tạo “lỗ hổng” cho các đối tượng lợi dụng để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thời gian tới, cơ quan thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm kịp thời loại bỏ những quy định lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, nhất là quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho lực lượng hải quan đối với hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan dự thảo luật cần rà soát, sửa đổi quy định về thương mại điện tử nhằm truy xuất hiệu quả thông tin về người bán, giao dịch, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trên thương mại điện tử, biện pháp xử lý khẩn cấp vi phạm trên môi trường mạng; nâng cao trách nhiệm của các chủ sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát hàng hóa giao dịch. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng trên phương tiện truyền thông với mục tiêu “mưa dầm thấm lâu” để dần thay đổi tâm lý, thói quen thỏa hiệp sử dụng hàng giả, hàng vi phạm của một bộ phận người tiêu dùng.