Chiều 4-10, trả lời câu hỏi của báo giới trong buổi họp báo, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã đưa ra những giải pháp phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong tình hình hiện nay.
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Cục phó Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cho biết, từ lâu, thông qua các trang web của Bộ Công an và Công an các địa phương phối hợp cơ quan báo chí đã lật tẩy thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng. Tuy nhiên, mức độ lan tỏa cập nhật của người dân còn hạn chế nên vẫn còn nhiều nạn nhân chủ yếu là người cao tuổi, người thường xuyên sử dụng mạng xã hội bán hàng online…
Trung tá Triệu Mạnh Tùng, Cục phó Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát biểu. Ảnh: Chu Dũng
Loại tội phạm này có ba đặc điểm: Không biên giới, tính ẩn danh cao, trình độ công nghệ cao. Do vậy, giải pháp đấu tranh tội phạm này cũng phải có tính đặc thù. Ngoài những giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, điều tra, xử lý nghiêm tội phạm.
Trước hết, phải đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân. Đây được xem là căn cước trên không gian mạng để xác định danh tính khi tham gia các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo.
Bắt nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao ở Hà Nam. Ảnh: Chu Dũng
Đồng thời, phải ứng dụng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản của ngân hàng, loại bỏ những tài khoản ảo, làm sạch tài khoản thuê bao di động, loại bỏ sim rác. Qua đó, hạn chế tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo.
Đối với việc thông tin cá nhân bị lộ, Bộ Công an thông tin, sắp tới, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được trình Quốc hội thông qua để tạo hành lang pháp lý bảo vệ cá nhân. Hiện tại, các tổ an ninh mạng phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm dữ liệu an toàn không bỏ lọt, đồng thời, xử lý các nhóm hoạt động kín hoạt động trên không gian mạng, triển khai các hoạt động truy sát xử lý các hành vi giả mạo cơ quan chức năng.
Bộ Công an cũng đang củng cố, nâng cao tiềm lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đồng thời, các lực lượng khác của Bộ Công an cũng được nâng cao kỹ năng, phương tiện để đấu tranh tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Xác định việc giải quyết tội phạm này là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị. Bộ Công an khuyến cáo, người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, cần đề cao cảnh giác khi nhận cuộc gọi điện thoại của người lạ, thường xuyên kiểm tra và cập nhật tính năng bảo mật và quyền riêng tư trên tài khoản mạng xã hội. Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó. Thận trọng rà soát, kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử và giao dịch trực tuyến. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.