ĐBP - Với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong thực hiện toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán và chăm sóc, điều trị cũng như đẩy mạnh hoạt động truyền thông; công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã và đang được triển khai hiệu quả, thường xuyên, lâu dài. Từ đó, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội địa phương bền vững.
Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên phát hiện vào năm 1998, tính đến hết tháng 2/2023 lũy tích các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 7.710 trường hợp, trong đó quản lý 3.401 người; lũy tích bệnh nhân AIDS là 5.503 người, lũy tích tử vong là 4.075 người. Trong quý I/2023, có 10 trường hợp nhiễm HIV mới, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 7 trường hợp. Hiện nay 10/10 huyện, thị, thành phố và 120/129 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS. Tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống quản lý được trên dân số là 0,53%.
Huyện Điện Biên từng được xem là điểm nóng về ma túy và sự lây lan của HIV, nhưng từ sự quan tâm của cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và nhân dân, đến nay tình hình nhiễm HIV đã được kiểm soát. Bác sĩ CKI y tế công cộng Vũ Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên cho biết: Hàng năm, Trung tâm Y tế huyện đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch phòng chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống lây nhiễm dưới nhiều hình thức, tăng cường cung cấp các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ điều trị và dự phòng lây nhiễm. Bên cạnh đó, công tác giám sát được triển khai theo quý, phát hiện HIV được duy trì, quản lý chặt chẽ đối tượng có nguy cơ cao, phân công cán bộ chuyên trách thường xuyên quản lý HIV tại cơ sở. Đối với các trường hợp nhiễm HIV, khi phát hiện đều được tư vấn, quản lý, hướng dẫn tự chăm sóc và tự bảo vệ sức khỏe, tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp đỡ vật chất và tinh thần.
Xác định công tác thông tin giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi là một trong những vấn đề then chốt để giúp việc phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả, hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức, phù hợp với đối tượng tham gia; in ấn tờ rơi, băng rôn tuyên truyền; tổ chức tháng truyền thông lây truyền từ mẹ sang con và tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Phổ biến các văn bản hướng dẫn về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; tuyên truyền về kết quả nổi bật trong công tác phòng chống HIV/AIDS; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, mại dâm; cách thức nhận biết, biện pháp phòng ngừa nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm của quần chúng nhân dân… Chủ động phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ đưa các tin, bài, hình ảnh về phòng chống HIV/AIDS. Tuyên truyền, huy động sự tham gia của các ngành, các cấp, sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư” để giảm thiểu tệ nạn ma túy.
Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS Vũ Hải Hùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, tỉnh Điện Biên đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên, lâu dài. Với mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, ngành Y tế tỉnh sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ về giáo dục truyền thông thay đổi hành vi; tăng cường giám sát dịch HIV, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền từ mẹ sang con; giám sát dịch, giám sát hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức, bởi đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đông đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn chưa đồng đều, giao thông đi lại khó khăn... là những rào cản không nhỏ. Bên cạnh đó, hiện nay các nguồn viện trợ quốc tế cho chương trình phòng chống HIV/AIDS đang dần bị cắt giảm... Chính vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mỗi người dân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trong đó, tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, bảo đảm việc tham gia BHYT của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng chống HIV/AIDS cho người dân.