ĐBP - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt thiên tai như: Mưa lớn kèm dông lốc, lũ ống, sạt lở đất… gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính khoảng 13,971 tỷ đồng.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm kế hoạch phòng chống; chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp xây dựng kế hoạch hiệp đồng tổ chức lực lượng tham gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Duy trì chặt chẽ chế độ trực, nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết, dự báo chính xác; tích cực, chủ động phối hợp với các lực lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác PCTT&TKCN. Căn cứ vào tình hình thời tiết, sự chỉ đạo của Quân khu, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Bộ CHQS tỉnh kịp thời chỉ đạo chuẩn bị tốt về lực lượng và phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Ưu điểm lớn nhất của LLVT tỉnh trong công tác ứng phó với thiên tai và TKCN là khi xảy ra các tình huống đã chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp khắc phục. Đồng thời huy động lực lượng tại chỗ kết hợp lực lượng cơ động, lực lượng phối thuộc, tham gia ứng cứu khắc phục nhanh, hiệu quả, giảm thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Làm tốt công tác chuẩn bị, phát huy hiệu quả “4 tại chỗ” trong PCTT&TKCN trên địa bàn đóng quân, hiệp đồng chặt chẽ, chủ động tham mưu giúp các địa phương chuẩn bị tốt kế hoạch, phương án đối phó hiệu quả với mọi tình huống có thể xảy ra.
Kết quả, từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh đã tổ chức 29 lượt cán bộ thường trực xuống địa bàn phối hợp với nhân dân địa phương tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai, 167 lượt dân quân tự vệ, phối hợp 273 lượt cán bộ công an, biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể cùng quần chúng nhân dân tham gia khắc phục thiệt hại do dông lốc, sạt lở đất. Huy động 2 xe cứu hỏa; 45 cán bộ công an phòng cháy chữa cháy; 15 cán bộ Ban CHQS TP. Điện Biên Phủ; 22 dân quân tại chỗ cùng nhân dân tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn.
Để nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai trong toàn lực lượng, thông qua các lớp tập huấn cán bộ năm, Bộ CHQS tỉnh lồng ghép nội dung về tổ chức thực hiện nhiệm vụ ứng phó thiên tai và TKCN các cấp. Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban CHQS các huyện Mường Nhé, Tuần Giáo tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức diễn tập ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn đạt kết quả cao, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Từ đầu năm đến nay, Nậm Pồ là một trong những huyện bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai. Phát huy tinh thần “đội quân chiến đấu” trong thời bình, LLVT huyện đã tích cực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp có phương án ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời trực tiếp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả; di chuyển, hỗ trợ và phối hợp với các tổ chức tiếp nhận, thăm hỏi, hỗ trợ vật liệu, nhu yếu phẩm cho các gia đình bị thiệt hại do thiên tai.
Thượng tá Lê Hào Quang, Chính trị viên Ban CHQS huyện Nậm Pồ cho biết: Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác PCTT&TKCN, Ban CHQS huyện đã huy động lực lượng, phương tiện giúp nhân dân phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, TKCN. Gần đây nhất, khi xảy ra sự cố tại Thủy điện Phi Lĩnh, xã Si Pa Phìn, đơn vị cử 10 cán bộ, chiến sĩ; huy động 30 dân quân tham gia TKCN, khắc phục hậu quả.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới LLVT tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về công tác PCTT&TKCN cho mọi cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Tích cực phối hợp với địa phương tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Theo dõi, nắm chắc diễn biến thời tiết, thủy văn, tai nạn, sự cố môi trường trên địa bàn; chủ động biện pháp phòng, chống bảo đảm an toàn về người, doanh trại, kho tàng, cơ sở vật chất, vũ khí trang bị của đơn vị. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực ban; thường xuyên rà soát điều chỉnh bổ sung kế hoạch, chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện; tổ chức luyện tập thuần thục theo từng phương án, sẵn sàng cơ động ứng cứu kịp thời khi có tình huống.