Chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Thứ Tư 7:06 21/09/2022

ĐBP - Hàng năm, tỉnh ta hứng chịu nhiều đợt thiên tai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Trước tình hình đó, các cấp, ngành chức năng tăng cường các giải pháp để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ) huy động phương tiện, máy móc khắc phục thiệt hại mưa lũ tại bản Nà Nọi 1.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 21 đợt thiên tai làm 8 người chết, 4 người bị thương; 535 ngôi nhà bị thiệt hại; 1.073ha đất nông nghiệp bị vùi lấp; 1.393 con gia súc, gia cầm bị chết; 36,57ha nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi; nhiều công trình giao thông, trường học, thủy lợi bị thiệt hại, hư hỏng. Ước tổng thiệt hại khoảng 159 tỷ đồng.

Điện Biên Đông là một trong những huyện từ đầu năm đến nay bị thiệt hại nặng về ngành nông nghiệp do mưa lũ. Toàn huyện đã có gần 38ha lúa ruộng, lúa nương, ngô, sắn bị thiệt hại do thiên tai.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho biết: Diện tích thiệt hại lớn, công tác khắc phục và khôi phục sản xuất chỉ được một phần. Bởi vì đa phần diện tích thiệt hại bị vùi lấp bởi khối lượng đất đá rất lớn. Chính vì vậy, đến nay toàn huyện chỉ khôi phục được 11,5ha/38ha bị thiệt hại, tập trung tại các xã: Na Son, Pú Nhi và thị trấn Điện Biên Đông. Còn một số xã vùng cao như: Háng Lìa, Tìa Dình, Mường Luân, Luân Giói, Chiềng Sơ có diện tích khôi phục sản xuất rất ít. Hiện nay, huyện Điện Biên Đông đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án bố trí, ổn định dân cư vùng nguy cơ sạt lở đất tại 2 bản: Mường Tỉnh A (xã Xa Dung) và bản Tìa Dình (xã Tìa Dình). Các dự án trên giúp di chuyển, ổn định cuộc sống của gần 100 hộ dân.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp thực hiện trực 24/24 để kịp thời phát hiện và triển khai các phương án ứng cứu khi thiên tai xảy ra. Đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn kịp thời tiến hành công tác thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại sau khi thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp chủ động nguồn kinh phí để hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại. 8 tháng đầu năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ 11,3 tỷ đồng từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh cho 8 đơn vị cấp huyện và 1 đơn vị cấp tỉnh để thực hiện công tác ứng phó và khắc phục thiệt hại thiên tai. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện đã thực hiện 32,079 tỷ đồng để khắc phụ hậu quả thiên tai về công trình, nhà ở, người, nông nghiệp.

Ông Phan Văn Vượng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết: Song song với công tác chủ động về phương án, lực lượng, phương tiện phục vụ công tác PCTT&TKCN, UBND tỉnh đã chủ động huy động nguồn kinh phí, nhất là công tác đảm bảo an toàn hồ đập. Vừa qua, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ 150 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục khẩn cấp các hồ đập hư hỏng trên địa bàn; tăng kinh phí sửa chữa hồ Pe Luông từ 10 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng. Đây là những hạng mục cấp thiết cần sửa chữa để đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn tính mạnh, tài sản của người dân vùng hạ du.

Các cơ quan thường trực về tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức lực lượng xuống địa bàn phối hợp với nhân dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Từ đầu năm đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã cử 363 lượt cán bộ thường trực, dân quân tự vệ tham gia khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ đội Biên phòng tỉnh huy động 79 lượt cán bộ với 129 ngày công hỗ trợ địa phương trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tổ chức diễn tập, huấn luyện ứng phó cháy rừng, bão lụt và tìm kiếm cứu nạn giúp cán bộ và người dân có thêm kiến thức, kỹ năng, nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.