ĐBP - Rừng được ví như “lá phổi xanh”, có nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe con người, hạn chế thiên tai và mang lại giá trị kinh tế lâu dài, bền vững.
Chính vì vậy, bên cạnh bảo vệ, khoanh nuôi tốt diện tích rừng hiện có, hàng năm Đảng, Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra nhiều chủ trương, chính sách trồng rừng, trồng cây phân tán, cây xanh đô thị… để nâng tỷ lệ che phủ rừng; một mặt hạn chế thiên tai, lũ lụt, cải thiện môi trường sống cho con người.
Vậy nhưng những tháng gần đây, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp, đặc biệt tại một số huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà, TP. Điện Biên Phủ.
Tại các địa phương nói trên, trong những tháng gần đây đã xảy ra 72 vụ phá rừng trái pháp luật, tổng diện tích thiệt hại trên 29,3ha.
Điều đáng nói, có những địa phương tình trạng chặt phá rừng, vi phạm lâm luật diễn ra nhiều lần. Không chỉ chặt phá rừng tái sinh làm nương mà cả khai thác rừng trong vùng đệm khu bảo tồn cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Mỗi lần xảy ra phá rừng, đốt rừng làm nương, khai thác gỗ trái phép, lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, xác minh, cơ bản tìm ra thủ phạm. Nhưng xử lý các vụ việc sau đó không dễ, vì liên quan đến điều kiện sống người dân, hoàn cảnh gia đình, nhận thức pháp luật và cả bất cập về chủ trương, chính sách...
Phần lớn các vụ phá rừng lấy đất làm nương thời gian qua do người dân mất việc làm bởi dịch bệnh Covid-19. Đời sống khó khăn, lại sống ở miền rừng thì chỉ còn cách khai thác rừng làm nương luân canh sản xuất lương thực. Cũng có nhiều hộ sống trong vùng quy hoạch 3 loại rừng, trong vùng đệm khu bảo tồn... thì chặt một cây nhỏ cũng vi phạm lâm luật.
Các đám nương bà con sản xuất từ trước đến nay sau khi công bố quy hoạch 3 loại rừng thì đều thuộc vào diện tích rừng cần được khoanh nuôi, bảo vệ. Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cắm mốc diện tích 3 loại rừng không kịp thời, công tác tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng còn những hạn chế nhất định, dẫn đến tình trạng người dân phá rừng làm nương, vi phạm lâm luật mà không biết.
Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, từng bước nâng tỷ lệ che phủ rừng theo đúng chủ trương, kế hoạch của tỉnh, thì cấp uỷ, chính quyền các cấp cần chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Lâm nghiệp đến mọi tầng lớp nhân dân. Các lực lượng, các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng cơ sở tăng cường tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện sớm các vụ vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp, đặc biệt là hành vi phá rừng trái pháp luật để ngăn ngặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Các lực lượng chức năng: Công an, Quân đội, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng và lực lượng khác có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tập trung điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các vụ phá rừng trái phép, không có ngoại lệ.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch số 2783/KH-UBND tỉnh về rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thực tế thời gian qua, nhiều hộ dân tiền khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng đã nhận, nhưng vẫn tham gia phá rừng làm nương, vì họ không được giao mốc quy hoạch 3 loại rừng trên thực địa kịp thời, chính xác.
Một mặt, chủ động cân đối nguồn kinh phí để triển khai lắp đặt, tăng dày thêm các bảng, biển cảnh báo “Cấm lửa”, “Cấm chặt phá rừng”, biển tuyên truyền tại các khu vực “điểm nóng”, phức tạp về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vì diện tích rừng toàn tỉnh rất lớn, khoảng 409.586ha. Trong khi lực lượng kiểm lâm có hạn. Theo quy định của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thì mỗi kiểm lâm chỉ bảo vệ khoảng 1.000ha rừng, trong khi tại tỉnh ta mỗi kiểm lâm bảo vệ khoảng 3.500ha. Đặc biệt như huyện Nậm Pồ, Mường Nhé, mỗi kiểm lâm bảo vệ diện tích rừng lên đến gần 10.000ha. Đây là những khó khăn, trở ngại cho công tác bảo vệ rừng tại địa phương.