Dựa vào cộng đồng để quản lý bảo vệ rừng

Thứ Tư 10:46 16/11/2022

ĐBP - Hiện nay toàn tỉnh có gần 695.000ha đất quy hoạch lâm nghiệp (chiếm 72,8% diện tích đất tự nhiên); trong đó, diện tích đất có rừng gần 410.000ha. Những năm qua, lực lượng kiểm lâm đã tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng song lực lượng mỏng nên để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, một trong những giải pháp hiệu quả là dựa vào cộng đồng dân cư.

Lực lượng chức năng tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với người dân bản Co Thón, xã Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ). Ảnh: C.T.V

Trên địa bàn tỉnh có trên 80% dân số sinh sống tại nông thôn, nghề nghiệp chính là làm nông nghiệp. Nhiều địa bàn vùng cao còn tình trạng di cư tự do; các vụ việc vi phạm lâm luật có tính chất phức tạp hơn, hành vi ngăn cản, chống người thi hành công vụ... Từ đó tạo áp lực lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; trung bình mỗi kiểm lâm địa bàn phải phụ trách trên 3.500ha rừng, có những kiểm lâm địa bàn phụ trách xã có từ 7.000 - 10.000ha.

Để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các cấp chính quyền xác định bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng thì cần sự tham gia của người dân, cộng đồng, bằng cách giao khoán để người dân, cộng đồng được hưởng lợi từ rừng. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức ký hợp đồng thuê khoán, giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 48.577ha cho 116 cộng đồng thôn, bản; 7.206 hộ dân tham gia nhận khoán. Các thôn, bản tham gia nhận khoán bảo vệ rừng sẽ được hưởng dịch vụ môi trường rừng; đồng thời, được khai thác lâm sản phụ ngoài gỗ để tạo sinh kế, tăng thu nhập. Trên cơ sở hợp đồng ký kết, các thôn, bản thành lập các tổ bảo vệ rừng để tuần tra, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Cùng với đó, toàn tỉnh đã giao 44.626ha đất lâm nghiệp cho 2.348 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Từ đầu năm đến nay đã có 21.294 lượt người dân tham gia cùng lực lượng kiểm lâm tuần tra rừng được 3.682 lượt. Qua đó đã phát hiện 299 vụ vi phạm lâm luật (giảm 75 vụ so với cùng kỳ năm ngoái); đã xử lý 248 vụ; tịch thu 54,159m3 gỗ các loại và nộp ngân sách Nhà nước hơn 920 triệu đồng.

Xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo có khoảng 2.300ha đất lâm nghiệp có rừng và được giao chủ yếu cho 3 cộng đồng bản Ten Hon, Xá Tự và Há Dùa quản lý, bảo vệ, với đại diện chủ rừng là các trưởng bản. Để phát huy hiệu quả, mỗi cộng đồng đều thành lập ban cộng đồng, có quy chế hoạt động cụ thể. Các gia đình trong cộng đồng bố trí người luân phiên tuần tra, bảo vệ diện tích rừng được giao. Hoạt động này được thực hiện thường kỳ mỗi tuần một lần vào mùa mưa. Riêng mùa khô, nguy cơ cháy rừng cao nên sẽ tăng cường thực hiện 2 - 3 lần/tuần, cao điểm 1 lần/ngày. Từ khi rừng có chủ, công tác quản lý bảo vệ rừng ở xã Tênh Phông đã đi vào nền nếp, nhiều năm xã không xảy ra vụ việc xâm lấn rừng. Không chỉ quản lý, bảo vệ rừng bền vững, ổn định, việc giao khoán bảo vệ rừng còn giúp người dân tận dụng trồng các loại cây dược liệu, thảo quả dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Việc quản lý, bảo vệ rừng nhờ cộng đồng đã trở thành một trong những phương thức quản lý rừng phổ biến, hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Cộng đồng các thôn, bản đã quan tâm, chú trọng đến công tác giữ rừng thông qua việc ban hành các quy định, quy ước. Nhờ đó, đến nay công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực như: Cơ bản bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp đã được phát hiện, xử lý kịp thời. Vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đã từng bước được nâng cao; góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 42,96%.