Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Thứ Tư 16:12 07/06/2023

ĐBP - Xác định vai trò, tầm quan trọng của rừng đối với sự phát triển  kinh tế - xã hội của tỉnh, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã và đang thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, đưa ra những giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp; những chủ trương, chính sách, quy định mới trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Tuần Giáo tuyên truyền vận động nhân dân chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về quản lý, bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch cụ thể; đồng thời tăng cường chỉ đạo, điều hành, đôn đốc các phòng, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo vệ rừng.

Công tác tuyên truyền được lực lượng kiểm lâm thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật lâm nghiệp, các chủ trương, chính sách, quy định mới trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đến cán bộ, đảng viên, nhân dân. Quý I/2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm tổ chức 200 buổi tuyên truyền tới các hộ gia đình, cá nhân với 11.304 người tham gia; 8.591 người ký cam kết bảo vệ rừng; tuyên truyền trên loa được 113 lượt với tổng số 167,5 giờ phát. Hiện đơn vị đang xây dựng, biên soạn bộ tài liệu nội dung gắn với hình ảnh tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), bảo tồn thiên nhiên, quản lý, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã để triển khai tuyên truyền trong lớp học (tập trung đổi mới phương thức tuyền truyền đa dạng, tuyên truyền các trường học, sử dụng phương pháp trực quan để đối tượng tuyên truyền dễ hiểu).

Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh công bố hiện trạng rừng năm 2022 trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 21/02/2023 của UBND tỉnh Điện Biên). Theo đó, diện tích có rừng tỉnh Điện Biên là 415.361,35ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,54% (tăng 0,58% so với năm 2021, tương đương 5.504,49ha). Đồng thời, chủ động đôn đốc, tăng cường thường trực phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), duy trì sử dụng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin cảnh báo cháy rừng và các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Chi cục tiến hành rà soát những khu vực rừng có nguy cơ bị xâm hại, dễ xảy ra cháy rừng để tổ chức lực lượng ứng trực sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng thủy văn của Đài Khí tượng thủy văn Điện Biên và thông tin cảnh báo cháy rừng trên trang thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm. Từ đó, Chi cục kịp thời thông báo đến các cơ quan, đơn vị và chủ rừng, để triển khai các biện pháp QLBVR, PCCCR phù hợp, hiệu quả, khi dự báo cháy rừng ở cấp III, IV, V.

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các hạt phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động, khuyến khích, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực tham gia trồng rừng. Ưu tiên cho người dân tại chỗ tham gia trồng rừng có hưởng lợi để sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống và an tâm gắn bó với rừng. Lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với từng điều kiện lập địa, có năng suất, chất lượng cao để khuyến cáo, hướng dẫn tổ chức và người dân trồng rừng. Tới nay, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên 409.857ha (ước đạt 100% kế hoạch); khoanh nuôi tái sinh rừng 17.918ha (khoanh nuôi mới 100ha; khoanh nuôi chuyển tiếp 17.818ha); chăm sóc rừng chuyển tiếp 626ha; chuẩn bị hiện trường trồng rừng được 128/415ha. Tổ chức gieo ươm trên 1,5 triệu cây giống các loại, phục vụ trồng rừng và trồng cây phân tán trên địa bàn tỉnh.

Từ việc làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, PCCCR đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng trong toàn tỉnh (đạt 43,54%), góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tạo sinh kế bền vững, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục triển khai quán triệt, phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật về lâm nghiệp, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Chủ động kiểm tra, kiểm soát các điểm nóng về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái pháp luật; kiểm tra kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, hồ sơ lâm sản; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp... Thực hiện tốt công tác theo dõi, dự báo tình hình thông báo cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn, hướng dẫn và quản lý chặt chẽ người dân trong việc đốt nương, đốt thực bì. Phối hợp đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn quản lý.