Liên hợp quốc vừa nhất trí khởi động đàm phán hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa. Mặc dù con đường đàm phán đi đến ký kết hiệp ước còn đối mặt nhiều thách thức, song đây được xem là bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ “hành tinh xanh”.
Gần 200 quốc gia dự kỳ họp lần thứ 5 Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA 5) đã đồng thuận thành lập một ủy ban liên chính phủ để đàm phán, với mục tiêu trong vòng 2 năm tới sẽ hoàn thiện một hiệp ước tham vọng giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên toàn cầu. Theo đó, các nhà đàm phán sẽ thảo luận các giải pháp ngăn chặn rác thải nhựa ở mọi hình thức, từ các chai nhựa, ống hút nhựa đến các hạt vi nhựa trong không khí, đất và chuỗi thức ăn. Hiệp định có thể bao gồm những quy định mới về sản xuất cũng như thiết kế sản phẩm nhựa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái sử dụng và giúp phân hủy tốt hơn.
Rác thải nhựa là bài toán làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách trong nhiều năm trở lại đây. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố báo cáo cho biết, mỗi năm thế giới sản xuất thêm khoảng 400 triệu tấn nhựa và con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Chỉ tính riêng năm 2021, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa và thải ra 353 triệu tấn rác thải nhựa, gần gấp đôi con số được ghi nhận năm 2000. Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt 9%, trong khi 19% được tiêu hủy và 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Vẫn còn 22% lượng rác thải nhựa được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường.
Những con số nêu trên đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng rác thải nhựa trên thế giới. Ô nhiễm rác thải là vấn đề xuyên biên giới và không quốc gia nào có thể một mình giải quyết một cách triệt để. Thách thức chung này đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm đưa ra những giải pháp mang tính toàn cầu. Vì vậy, giới phân tích nhận định, việc các nước đồng thuận cùng hướng tới một hiệp ước quốc tế về xử lý tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa là một bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường.
Theo ông Espen Barth Eide (E.B.Ai-đơ), Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Na Uy, đồng thời là Chủ tịch UNEA 5, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành một “dịch bệnh” và với việc thống nhất đàm phán về một hiệp ước quốc tế, thế giới đã đi đúng hướng trong việc tìm ra lời giải cho bài toán khó này. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) Inger Andersen (I.An-đơ-xen) cho rằng, hiệp ước quốc tế về ô nhiễm rác thải nhựa sẽ là thỏa thuận đa phương về môi trường quan trọng nhất kể từ sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký kết vào năm 2015. Đây cũng là mong muốn chung của nhiều người dân. Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây do Công ty Ipsos thực hiện tại 28 quốc gia, trung bình 88% số người được hỏi cho rằng cần có một hiệp ước quốc tế nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa.
Ủy ban đàm phán của Liên hợp quốc, bao gồm đại diện của các quốc gia thành viên, dự kiến sẽ tổ chức 5 cuộc đàm phán trong vòng 2 năm tới nhằm hoàn tất hiệp ước. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đặt ra giới hạn trong sản xuất các sản phẩm nhựa sẽ là một trong những vấn đề hóc búa nhất mà các nhà đàm phán phải vượt qua.
Việc nhất trí khởi động đàm phán hiệp ước là bước tiến quan trọng, thể hiện mong muốn và sự nỗ lực bảo vệ môi trường của cộng đồng quốc tế. Mặc dù đây chỉ là sự khởi đầu và còn nhiều thách thức phải vượt qua trên con đường đàm phán và ký kết hiệp ước, song nhiều chuyên gia tin rằng, đây sẽ là sự khởi đầu cho việc kết thúc thảm họa rác thải nhựa trên “hành tinh xanh”.