Ngày 6-2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết, nước này sẽ tăng gấp đôi số quân đóng góp cho lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu ở Kosovo (KFOR) để thể hiện cam kết của nước này đối với an ninh khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius trong chuyến thăm Kosovo.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, người đang có chuyến công du tới Kosovo và nước láng giềng Serbia, trong vòng 1-2 tháng tới, Đức sẽ bổ sung một đại đội khoảng 100 binh sĩ góp thêm vào quân số của KFOR hiện nay là gần 4.500 người, đồng thời khẳng định sẵn sàng điều động thêm nếu cần thiết.
“Tôi tin rằng đây là tín hiệu mạnh mẽ thể hiện quan điểm của Đức nhằm ưu tiên sự ổn định của khu vực ”, ông Pistorius nói trong cuộc họp báo tại Kosovo.
Trước khi xảy ra 2 vụ tấn công bạo lực cuối năm ngoái khiến quan hệ Kosovo và Serbia trở nên căng thẳng, quân số của KFOR tại Kosovo duy trì khoảng 3.800 binh sĩ.
Hiện, cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) bảo trợ về bình thường hóa quan hệ Kosovo và Serbia đang rơi vào bế tắc. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, đối thoại Serbia và Kosovo là cách duy nhất và là một giải pháp chính trị góp phần vào sự ổn định trong toàn khu vực, mở cánh cửa rộng lớn cho Kosovo gia nhập EU.
Ông Olaf Scholz kêu gọi Serbia và Kosovo sớm ký kết một thỏa thuận công nhận lẫn nhau và giải quyết những căng thẳng đã tồn tại trong nhiều năm giữa hai bên.
Đầu năm 2023, EU đã công bố đề xuất của Pháp và Đức về "con đường bình thường hóa" quan hệ giữa Serbia và Kosovo. Theo đó, Serbia và Kosovo sẽ phát triển mối quan hệ láng giềng tốt, bình thường với nhau trên cơ sở quyền bình đẳng, bao gồm trao đổi các cơ quan đại diện thường trực và công nhận các giấy tờ như hộ chiếu, văn bằng, biển số xe và tem hải quan.
EU cũng tuyên bố cuộc đối thoại giữa Serbia và Kosovo sẽ được định hướng dựa theo các mục tiêu và nguyên tắc đặt ra trong Hiến chương Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, cuối tháng 10-2023, lãnh đạo của Serbia và Kosovo đã từ chối thỏa hiệp trong cuộc đàm phán nhằm cải thiện mối quan hệ căng thẳng, bất chấp điều này có thể ảnh hưởng tới cơ hội gia nhập EU.