WHO kêu gọi Israel mở thêm cửa khẩu vào Gaza

Thứ Sáu 16:15 22/03/2024

Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, viện trợ đường bộ thông qua các cửa khẩu là biện pháp tốt nhất để có thể ngăn chặn nguy cơ xảy ra nạn đói tại Gaza.

Thời gian vừa qua, nhiều quốc gia như Mỹ và Jordan đã thả hàng viện trợ dọc theo bờ biển Gaza. Tuy nhiên, phương pháp này tỏ ra tốn kém và không thực sự hiệu quả.

Dù đánh giá cao những nỗ lực viện trợ bằng đường hàng không và đường biển, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn cho rằng chỉ có viện trợ đường bộ mới có thể cho phép vận chuyển hàng hóa quy mô lớn để ngăn chặn nạn đói ở Gaza.

“Tương lai của cả một thế hệ đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Một lần nữa, chúng tôi đề nghị Israel mở thêm nhiều cửa khẩu, đẩy nhanh việc tiếp nhận và vận chuyển nước, thực phẩm, vật tư y tế và các viện trợ nhân đạo khác vào Gaza”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố ngày 21-3.

Xe tải chở hàng viện trợ cho Gaza thông qua cửa khẩu Rafah. Ảnh: Reuters

Theo Aljazeera, kể từ khi xung đột bùng phát, Israel đã cấm vận chuyển thực phẩm, nước uống, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác đến Gaza, ngoại trừ một lượng nhỏ hàng viện trợ thông qua hai cửa khẩu Rafah và Karem Abu Salem.

Các cơ quan viện trợ và giới chức y tế ở Gaza đã cảnh báo, số hàng viện trợ ít ỏi gần như không thể đáp ứng nhu cầu của gần 2,3 triệu người ở vùng lãnh thổ đang chìm trong xung đột, đặc biệt tại khu vực phía Bắc đang đối diện nguy cơ xảy ra nạn đói.

Hệ thống Phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC) của Liên hợp quốc lo ngại nạn đói xảy ra tại Bắc Gaza vào tháng 5 và có thể lan rộng khắp khu vực vào tháng 7.

Nạn đói có thể xảy ra tại Gaza nếu các hoạt động viện trợ nhân đạo tiếp tục gặp khó khăn. Ảnh: Reuters

70% người dân ở các khu vực phía Bắc Gaza đang trong tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng nhất, cao ngưỡng 20% - mức ​​được coi là nạn đói. Tổng cộng, 1,1 triệu người Palestine ở Gaza, tức khoảng một nửa dân số vùng lãnh thổ này, phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực thảm khốc.

Giới chức y tế Gaza cho biết, xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas đã khiến ít nhất 31.988 người thiệt mạng và 74.188 người bị thương. Theo Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), tính đến ngày 16-3, 1,7 triệu người, tương đương hơn 75% dân số, đã phải di dời.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Gaza về cơ bản đã sụp đổ do thiếu nhiên liệu và nguồn cung y tế trầm trọng. Các hình ảnh từ Trung tâm Vệ tinh Liên hợp quốc (UNOSAT) cũng cho thấy, 35% các tòa nhà ở Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại do xung đột.