Ukraine liên tục tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở năng lượng của Nga, báo hiệu những leo thang mới dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.
Mỹ đã buộc phải lên tiếng kêu gọi Ukraine ngừng các cuộc tấn công vì lo ngại rằng điều này có thể gây ra sự trả đũa mạnh mẽ và không khoan nhượng từ phía Nga, đồng thời sẽ đẩy giá dầu toàn cầu tăng cao.
Quân đội Ukraine tấn công một nhà máy lọc dầu ở Belgorod, Nga. Ảnh: Anadolu
Đêm 23-3 vừa qua, lực lượng không quân Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Nhà máy lọc dầu Novokuibyshevsk ở tỉnh Samara của Nga. Theo Tập đoàn Dầu mỏ Rosneft của Nga, đây là một trong những nhà máy lớn nhất khu vực.
Cuộc tấn công xảy ra 24 giờ sau khi Nga thực hiện hành động “đáp trả” vào hàng chục cơ sở năng lượng của Ukraine, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và hơn 1 triệu người sống trong cảnh mất điện.
Nga sử dụng hơn 60 máy bay không người lái và 90 tên lửa nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Đây được xem là cuộc tấn công mạnh mẽ nhất của Nga vào cơ sở hạ tầng của Ukraine kể từ khi cuộc xung đột bùng phát vào đầu năm 2022.
Kể từ tháng 1-2024, Ukraine đã tấn công ít nhất 9 nhà máy lọc dầu ở miền Tây nước Nga cùng với các kho, nhà ga và cơ sở lưu trữ. Các cuộc tấn công khiến Nga phải đóng cửa một số nhà máy lọc dầu quan trọng, chiếm khoảng 12% công suất lọc dầu, đồng thời giáng đòn mạnh vào nguồn doanh thu xuất khẩu chính của quốc gia này. Các cuộc tấn công cũng khiến giá dầu tăng vọt, với gần 4% kể từ ngày 12-3.
Trước tình hình trên, Mỹ đã kêu gọi các quan chức cơ quan An ninh Ukraine (SBU) và Tổng cục Tình báo quân đội Ukraine (GUR) chấm dứt các cuộc tấn công. Washington lo ngại rằng việc tấn công các cơ sở năng lượng của Nga sẽ ảnh hưởng đến năng lực sản xuất dầu của nước này và đẩy giá dầu toàn cầu tăng cao.
Không thể phủ nhận, Nga vẫn là một trong những nhà xuất khẩu năng lượng quan trọng nhất thế giới, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây. Giá dầu đã tăng khoảng 15% trong năm nay, lên 85 USD/thùng, đẩy chi phí nhiên liệu tăng cao, ngay khi Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chiến dịch tái tranh cử.
Ngoài ra, Mỹ cho rằng nếu Ukraine tiếp tục tấn công cơ sở dầu mỏ của Nga khiến nước này có thể trả đũa bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng mà phương Tây phụ thuộc, bao gồm đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC) vận chuyển dầu từ Kazakhstan qua Nga tới thị trường toàn cầu.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) Adrienne Watson cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích hoặc kích hoạt các cuộc tấn công bên trong nước Nga”.
Ukraine đã tăng cường các cuộc không kích trong những tuần gần đây, khi các chương trình máy bay không người lái của Kiev mở rộng và cuộc chiến trên bộ chuyển sang hướng có lợi cho Nga. Động thái này cũng diễn ra sau sự bất mãn ngày càng tăng ở quốc gia Đông Âu này về việc phương Tây muốn hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Mátxcơva nhưng lại đưa ra những giải pháp đầy mâu thuẫn.
Một quan chức Ukraine tiết lộ, mục đích của “các hành động đặc biệt” - tấn công vào cơ sở năng lượng của Nga, là cản trở việc cung cấp nhiên liệu cho quân đội Nga. Bà Helima Croft làm việc tại RBC Capital Markets lưu ý rằng, Ukraine đã cho thấy nước này có thể tấn công hầu hết cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở miền Tây nước Nga, khiến khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu gặp rủi ro.
Chiến dịch không kích cũng được các nhà phân tích coi là phương tiện thúc đẩy Washington phê duyệt gói hỗ trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD đang bế tắc tại Quốc hội Mỹ, vốn rất quan trọng đối với hoạt động quốc phòng của Ukraine. Sự chậm trễ trong viện trợ của Mỹ đã làm suy yếu đáng kể khả năng chống chọi của Kiev.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) tại hội nghị thượng đỉnh cuối tuần qua đã bất đồng về việc tài trợ vũ khí cho Ukraine. Họ yêu cầu Ủy ban châu Âu “đưa ra tất cả các phương án huy động vốn và báo cáo lại trước tháng 6-2024”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích mạnh mẽ sự không chắc chắn về khả năng hỗ trợ của phương Tây trên mạng xã hội sau cuộc tấn công trên không lớn nhất của Mátxcơva: “Tên lửa của Nga không có sự chậm trễ, không giống như các gói viện trợ cho Ukraine”.
Giới chuyên gia nhận định, Nga không có dấu hiệu nào cho thấy có kế hoạch giảm tốc độ tấn công Ukraine sau 2 năm phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Thế nên, những cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau giữa hai quốc gia vào hệ thống năng lượng được cho rằng sẽ làm “nóng” thị trường dầu toàn cầu và xa hơn, có nguy cơ gây thiệt hại cho kinh tế thế giới.