Bị hạ xếp hạng tín nhiệm, Ukraine nguy cơ vỡ nợ

Thứ Sáu 15:58 26/07/2024

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã hạ xếp hạng của Ukraine từ bậc “CC” xuống “C”.

Với việc hạ tín nhiệm của Ukraine xuống bậc “C”, Fitch thể hiện quan điểm rằng, quá trình vỡ nợ đối với Ukraine đã bắt đầu.

Trước đó, Ukraine thông báo đã đạt thỏa thuận về nguyên tắc với một nhóm chủ nợ để tái cấu trúc 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Diễn biến này đưa quốc gia vùng Đông Âu tiến gần hơn đến việc tái cơ cấu nợ ở quy mô chưa từng có.

Thỏa thuận sẽ mang lại mức cắt giảm danh nghĩa 37% đối với trái phiếu quốc tế đang lưu hành của Ukraine, giúp Kiev tiết kiệm được 11,4 tỷ USD tiền thanh toán trong 3 năm tới.

Fitch cho biết, thỏa thuận với các chủ nợ thương mại cấu thành trao đổi nợ xấu (DDE) theo tiêu chuẩn xếp hạng quốc gia của hãng xếp hạng tín nhiệm có trụ sở tại New York (Mỹ). Thỏa thuận này cũng liên quan đến việc cắt giảm đáng kể các điều khoản và gia hạn thời hạn đáo hạn.

Xung đột kéo dài tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về phương án gia hạn lệnh trừng phạt tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga để có thể bảo đảm khoản vay lớn của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cho Ukraine.

Hồi tháng 6, G7 và EU nhất trí sẽ sử dụng tiền lãi từ tài sản Nga bị phong tỏa để hỗ trợ khoản vay 50 tỷ USD cho Ukraine. Phần lớn trong số tài sản của Nga trị giá khoảng 300 tỷ USD nằm tại EU, chủ yếu ở Bỉ.

Theo quy định hiện hành của EU, các quốc gia thành viên cần đồng thuận trước khi lệnh trừng phạt được gia hạn. Tuy nhiên, một số quốc gia G7, bao gồm Mỹ, lo ngại nguy cơ 27 quốc gia thành viên EU có thể bất đồng về vấn đề này, từ đó kéo theo những tác động đến toàn bộ khoản vay.

Điển hình như Hungary, quốc gia thuộc EU nhưng duy trì mối quan hệ thân thiết với Nga. Kể từ khi xung đột bùng phát, Thủ tướng Hungary Viktor Orban từng nhiều lần trì hoãn các động thái áp đặt những hạn chế mới nhằm vào Nga và cả nỗ lực hỗ trợ tài chính cho Ukraine.