ĐBP - Nói đến Hàn Quốc, nhiều người nghĩ ngay đến mặt hàng sâm (các sản phẩm đồ ăn, thức uống, thuốc men… chiết xuất, chế biến từ giống cây sâm quý). Từ xưa đến nay, sâm Hàn Quốc nổi tiếng thế giới. Nhưng gần đây khoa học chứng minh, không chỉ sâm Hàn Quốc mà sâm Ngọc Linh của Việt Nam cũng rất tốt và thuộc dòng quý hiếm. Có tài liệu cho rằng, sâm Ngọc Linh trồng ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Điện Biên còn tốt hơn sâm Hàn Quốc…
Sâm Ngọc Linh phù hợp với những nơi có điều kiện khí hậu mát mẻ, ẩm ướt. Càng phát triển tốt, cho năng suất cao khi được trồng dưới những tán rừng nguyên sinh, thảm thực bì dày, khí hậu quanh năm mát mẻ, mùa đông có lúc nhiệt độ xuống 0 độ C. Giá trị kinh tế cao từ cây sâm Ngọc Linh đã được thừa nhận. Chính vì vậy, những năm gần đây nhiều nông dân xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo đã học hỏi kinh nghiệm, trồng thử nghiệm và nhân rộng diện tích cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và một số giống dược liệu quý khác.
Sau thời gian trồng, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, các giống sâm trồng tại Tênh Phông phát triển tốt, nhiều cây đã ra hoa, cho quả, hạt để nhân giống. Củ sâm cũng phát triển ngày càng to, đang đợi ngày thu hoạch.
Tiếng lành đồn xa. Các nhà khoa học, doanh nhân, doanh nghiệp Hàn Quốc đã lên Điện Biên, đến Tênh Phông nghiên cứu thực tế và có hướng đầu tư phát triển, mở rộng diện tích trồng sâm tại đây.
Với kinh nghiệm, điều kiện khoa học công nghệ hiện có của Hàn Quốc, chắc chắn rằng, khi nông dân Tênh Phông, các doanh nghiệp của Điện Biên bắt tay trồng, chế biến cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu với đối tác Hàn Quốc, sẽ mở ra hướng làm ăn mới, ổn định, là tiền đề xóa đói giảm nghèo bền vững.
“Chắp cánh” cho cây “Quốc bảo” - sâm Ngọc Linh trồng tại Điện Biên “bay” sang Hàn Quốc và các nước trên thế giới thuận lợi, “chính danh”, tỉnh Điện Biên đã làm việc với Hiệp hội Nghệ nhân nhân sâm Hàn Quốc, Công ty Cổ phần Tập đoàn MHGROUP Việt Nam - Hàn Quốc để phát triển, nhân rộng diện tích trồng sâm cũng như bao tiêu sản phẩm.
Mới đây (ngày 25/6), UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức ký kết chuyển giao công nghệ Hàn Quốc về kỹ thuật trồng và phát triển, chế biến cây sâm tại Điện Biên. Đây là tin vui, làm nức lòng người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã… đang trồng các giống sâm tại xã Tênh Phông.
Thông tin có được, để đi đến lễ ký kết đặc biệt này, thì trước đó (tháng 3/2022), tỉnh Điện Biên đã tổ chức hội nghị đầu tư và phát triển giữa các Hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc - Việt Nam và Điện Biên. Các bên đã ký biên bản hợp tác trên 3 lĩnh vực: Trồng và chế biến, chuyển giao công nghệ và phát triển cây sâm Điện Biên; chuyển giao công nghệ, phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, phối hợp quảng bá, thu hút đầu tư và kinh doanh...
Sản xuất cây sâm Ngọc Linh theo hướng hàng hóa, công nghiệp, tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho người dân, doanh nghiệp, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng rà soát, đánh giá các khu vực có tiềm năng thích hợp trồng và phát triển cây sâm. Qua khảo sát cho thấy, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.400ha ở độ cao trên 1.500m, có tiềm năng thích hợp trồng và phát triển cây sâm để đưa vào quy hoạch. Đặc biệt hiện nay, tại một số khu vực rừng tự nhiên núi cao thuộc huyện Mường Nhé cũng đã phát hiện loại sâm Lai Châu mọc tự nhiên nhiều năm tuổi. Tại xã Tênh Phông, một số hộ gia đình, cá nhân trồng hơn 60 nghìn cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu từ 1 - 4 năm tuổi. Toàn bộ diện tích cây sâm này đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Không lâu nữa, cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu sẽ cho thu hoạch. Chính quyền địa phương huyện Tuần Giáo, người dân, doanh nghiệp tham gia trồng sâm lo nhất là đầu ra ổn định của giống cây “Quốc bảo” này. Do vậy, bà con rất cần lãnh đạo tỉnh, ngành Nông nghiệp và các bên liên quan “ngồi lại với nhau” để trao đổi, thảo luận chặt chẽ, khoa học, bài bản các vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng và phát triển, chế biến sâm cũng như việc kết nối, hợp tác phát triển trong thời gian tới với đối tác Hàn Quốc một cách thực chất. Tránh khi người dân, doanh nghiệp mở rộng diện tích trồng sâm các loại theo quy hoạch của tỉnh thì lại “vướng” đầu ra cho sản phẩm như một số mặt hàng nông - lâm nghiệp, dược liệu khác.
Sâm Ngọc Linh là giống cây mới đưa vào trồng tại Điện Biên. Do vậy UBND tỉnh cần có chính sách phù hợp để “kích cầu”, cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi và thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư theo quy định, để các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mạnh hơn nữa cho cây sâm phát triển. Đây cũng là kế sách ổn định, lâu dài cho nông dân vùng dự án yên tâm trồng sâm.