ĐBP - Cách đây chưa lâu, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thắng đã ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Điện Biên (Ban Chỉ đạo). Theo đó, Ban Chỉ đạo có 15 thành viên, gồm 1 Trưởng ban, 5 Phó ban và 9 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo, Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh hoạt động theo Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ban Chỉ đạo chính thức hoạt động kể từ ngày 10/6/2022. Được biết, Điện Biên là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành lập Ban Chỉ đạo sau khi Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư được ban hành.
Việc tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giành được sự quan tâm của dư luận xã hội. Vì rằng, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều chương trình,dự án lớn từ cấp tỉnh xuống huyện ít nhiều xảy ra sai phạm, chậm tiến độ, chất lượng kém; công tác cải cách hành chính, tổ chức bộ máy cán bộ… có lúc, có nơi còn bất cập, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Do đó, khi tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cũng có nghĩa công cuộc “đốt lò” đã về tới địa phương.
Nhiều năm qua, các phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả mạng xã hội không ít lần phản ánh tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong cả nước. Đã có hàng nghìn cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao diện Bộ Chính trị, Trung ương quản lý phải “vào lò” do tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Công cuộc phòng, chống tham nhũng đã không còn có vùng cấm, không còn ngoại lệ, bất cứ người đó là ai, giữ chức vụ gì…
Việc Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp Trung ương làm mạnh tay, “lò” lúc nào cũng “nóng ran” lên, nhưng tại địa phương thì công cuộc “đốt lò” vẫn nguội lạnh. Đây là lý do một bộ phận người dân nghi ngờ, chưa thực sự tin tưởng, kỳ vọng vào công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương, cơ sở. Cho rằng, cấp Trung ương nhiều việc, nên không có thời gian “vi hành” xuống địa phương để điều tra, giám sát, xác minh các vụ việc tham nhũng, tiêu cực; hoặc vì lý do tế nhị nào đó nên các bác không xuống…
Nay cấp tỉnh có Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; có quy chế hoạt động, phân công, phân nhiệm rõ ràng. Đồng chí Trương ban Chỉ đạo không là người địa phương, thì việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm… càng thuận lợi, dễ dàng và “mạnh tay” hơn.
Thực tế công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cả nước nói chung, tại tỉnh ta nói riêng thời gian qua cho thấy, nếu muốn công cuộc “đốt lò” thuận lợi, “củi khô cháy” và “củi tươi cũng cháy”; “đốt lò” không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thì rất cần sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, các sở, ngành, huyện thị cũng như các thành viên Ban Chỉ đạo. Vì những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài thời gian qua đều có bóng dáng của cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu. Do đó, phải đặc biệt chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ. Phải tăng cường quản lý, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Cùng với đó là tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó, phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Tham nhũng thường rơi vào cán bộ có chức, có quyền, do vậy phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực. Cán bộ, công chức phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên “tự soi, tự sửa” để điều chỉnh hành vi, hoàn thiện mình hơn.
Công cuộc “đốt lò” cũng rất cần sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đoàn thể, xã hội và các tầng lớp nhân dân. Vì rằng, không có sức mạnh nào to lớn bằng sức mạnh của nhân dân, không có gì mà nhân dân không biết, do đó, không có gì qua mắt được nhân dân.
Sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân là thước đo niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng nhân dân thành “những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, làm cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu không có chỗ ẩn nấp” như Bác Hồ dạy.