ĐBP - Được cho là căn bệnh của người già nhưng đột quỵ não hay tai biến mạch máu não (gọi tắt là đột quỵ) đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
Năm 48 tuổi, khi đang là lao động chính trong gia đình, ông Vũ Văn Tới, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) bị đột quỵ. Sau nhiều lần chạy chữa ở các bệnh viện lớn, đến nay, ông Tới vẫn đang chịu di chứng nặng nề, hoạt động sinh hoạt thường ngày gặp nhiều khó khăn. Ông Tới cho biết: Sau khi xuất hiện triệu chứng tê liệt tay chân, gia đình đã lập tức đưa tôi đi cấp cứu. Sau thời gian xuống điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai và chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, dù bệnh tình có tiến triển nhưng sức khỏe của tôi đã giảm rõ rệt, giờ tôi bị liệt nửa người nên không thể làm được gì, đi lại rất khó khăn.
Nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cách đây 1 tháng, em L. T. Q, 16 tuổi, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) được bác sĩ xác định bị đột quỵ. Chủ quan vì bản thân không có tiền sử bệnh lý, khi xuất hiện biểu hiện đau đầu Q. chỉ sử dụng thuốc giảm đau tại nhà. Sau cơn đau đầu dữ dội em Q. rơi vào trạng thái hôn mê và phải điều trị tích cực tại bệnh viện.
Bác sĩ CKII Trần Hải Phong, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Tại khoa Cấp cứu, hàng tháng đều tiếp nhận khoảng 20 trường hợp đột quỵ. Nếu như trước đây, bệnh nhân đột quỵ thường nằm trong độ tuổi từ 50 - 60 trở lên thì nay độ tuổi này đang trẻ hóa dần, từ 40 - 45 tuổi, thậm chí ở độ tuổi 20 - 30 tuổi. Nguyên nhân khiến đột quỵ ngày càng trẻ hóa với số bệnh nhân trong độ tuổi 20 - 30 bị đột quỵ tăng lên từng ngày có thể xuất phát từ chế độ sống không lành mạnh, như thức khuya, ngủ ít, thường xuyên căng thẳng, lười vận động… Một nguyên nhân nữa là do liên quan đến yếu tố tim mạch chuyển hóa, tăng huyết áp khi đại bộ phận giới trẻ có tình trạng tăng huyết áp thầm lặng mà không được kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ. Ngoài tỷ lệ tử vong cao, đột quỵ còn gây ra các biến chứng và di chứng nặng nề như hôn mê, bại não, mất nhận thức, ngôn ngữ, liệt nửa người, di chứng tâm lý, tâm thần...
Khi đã nhận thức được những nguyên nhân gây trẻ hóa đột quỵ, mỗi người cần phải từ bỏ quan điểm đột quỵ là bệnh của người già và xây dựng lối sống tích cực hơn bằng cách: Thường xuyên đo huyết áp, điều trị các bệnh nền về tim và mạch máu; thiết lập chế độ làm việc, nghỉ ngơi khoa học, ngủ đủ giấc, tránh để bản thân căng thẳng mệt mỏi; xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp: Không ăn quá nhiều muối hoặc đường, hạn chế chất béo (đặc biệt là mỡ động vật và đồ ăn nhanh), nên ăn nhiều rau củ, trái cây… Thường xuyên vận động, luyện tập thể dục thể thao và dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý; hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích để bảo vệ sức khỏe tim mạch.