ĐBP - Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do một loại siêu vi gây ra; bệnh thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân - hè và phát triển thành dịch ở những nơi đông đúc như trường học, nhà trẻ, khu tập thể... Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2021 cả tỉnh có 34 ca mắc quai bị (chủ yếu ở huyện Nậm Pồ, 15 ca), 2 tháng đầu năm 2022 có 3 ca.
Bệnh quai bị rất dễ lây qua các đường hô hấp. Vi rút có trong nước bọt, dịch tiết mũi họng bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói chuyện… Người hít trực tiếp hoặc qua các dồ dùng bị nhiễm dịch hô hấp do bệnh nhân thải ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Thời gian lây khoảng 6 ngày trước khi phát bệnh và đến 2 tuần sau khi có triệu chứng bệnh lý. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và tuổi vị thành niên chưa có miễn dịch quai bị, người lớn cũng có thể mắc nhưng tỷ lệ thấp hơn.
Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Người mắc bệnh quai bị sẽ có triệu chứng như sốt và sưng, đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt mang tai, đôi khi có thể viêm ở tuyến nước bọt dưới lưỡi hoặc tuyến dưới hàm. Khi bị nhiễm vi rút quai bị, phần lớn bệnh nhân thấy khó chịu từ 1 - 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện. Bệnh nhân bị sốt cao trong 3 - 4 ngày, chảy nước bọt, sưng vùng mang tai, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là má sưng to, có thể sưng một bên rồi lan sang bên kia hoặc sưng cả 2 bên cùng một lúc. Quai bị là bệnh nhẹ nhưng nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, như viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới, viêm màng não vô khuẩn, viêm tụy, viêm khớp, viêm thận, viêm tuyến giáp. Viêm tinh hoàn do quai bị hay gặp nhất ở lứa tuổi dậy thì và thanh thiếu niên. Ở nam giới tuổi trưởng thành nếu viêm tinh hoàn nặng cả hai bên sẽ làm xơ hóa tinh hoàn khiến tinh hoàn không sản xuất được tinh trùng, dẫn đến vô sinh. Đặc biệt, quai bị ở phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sảy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
Để chủ động phòng, chống bệnh quai bị, cách hiệu quả nhất là tiêm vắc xin quai bị. Vắc xin rất quan trọng cho những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch. Trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân mắc quai bị mà chưa tiêm vắc xin thì cần phải tiêm ngay trong vòng 72 giờ để có thể bảo vệ bản thân tránh lây nhiễm. Ngoài ra, thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, đồng thời vệ sinh môi trường, nơi ở sạch sẽ.
Chị Hoàng Thùy Trang, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) cho biết: Qua tìm hiểu thông tin trên sách báo và bác sĩ tư vấn, tôi hiểu bệnh quai bị sẽ được phòng, chống hiệu quả nhất bằng vắc xin. Vì vậy, tôi đã tiêm đầy đủ vắc xin quai bị cho con để phòng, tránh một cách tối đa và thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nhà ở, môi trường sống.
Bác sĩ Đàm Thanh Tú khuyến cáo, đối với những bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ mắc quai bị cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Khi mắc bệnh, cần cách ly điều trị trong vòng 7 - 9 ngày kể từ khi phát bệnh, tại nhà đối với trường hợp nhẹ, hoặc cách ly điều trị tại cơ sở y tế đối với trường hợp nặng hoặc biến chứng...