ĐBP - Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 2 tháng đầu năm toàn tỉnh có gần 750 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy. Đa số trường hợp mắc bệnh là trẻ em, tập trung ở các huyện: Mường Chà (160 trường hợp), Điện Biên (148 trường hợp), Điện Biên Đông (129 trường hợp), Mường Nhé (124 trường hợp), Nậm Pồ (119 trường hợp)… Mặc dù các trường hợp mắc bệnh đều được chữa trị kịp thời, không có trường hợp biến chứng nặng và tử vong, song để phòng chống bệnh lây lan, bùng phát thành dịch, hạn chế số người mắc bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe con em mình.
Bác sĩ Chuyên khoa I Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Tiêu chảy là một trong những bệnh thường gặp trong đời sống hàng ngày và phổ biến ở mọi lứa tuổi. Thông thường, bệnh có thể được chữa khỏi sau một vài ngày mà không cần điều trị dùng thuốc; song nếu bị tiêu chảy dài ngày, người bệnh cần hết sức cẩn thận vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, dẫn đến nguy cơ tử vong. Nguyên nhân gây ra bệnh là do nhiễm vi rút, nhiễm khuẩn, do tiêu thụ thức ăn, nước uống bị ô nhiễm, dị ứng thực phẩm, mắc phải các bệnh đường ruột... Khi mắc bệnh, người bệnh thường có các triệu chứng: Đại tiện nhiều lần trong ngày, phân lỏng, có mùi tanh hôi, đầy bụng, đau quặn bụng, một số trường hợp có thể bị sốt hoặc nôn. Với trẻ em khi mắc bệnh tiêu chảy nếu không được điều trị hoặc điều trị không hợp lý sẽ bị mất nước khiến cơ thể yếu dần dẫn đến tử vong. Nếu trẻ mắc tiêu chảy kéo dài dễ bị suy dinh dưỡng. Một số trường hợp tiêu chảy do vi trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, điều trị rất khó khăn và nguy cơ tử vong cao.
Để chủ động phòng, chống bệnh tiêu chảy, ngay từ đầu năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người và triển khai đến tất cả các địa bàn trong tỉnh; chỉ đạo trung tâm y tế các huyện làm tốt công tác giám sát dịch bệnh hàng tháng tại các xã, thôn bản; thường xuyên xuống cơ sở nắm tình hình dịch bệnh để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng tránh. Khi phát hiện những trường hợp mắc bệnh cần chủ động khoanh vùng, xử lý ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng, đồng thời tổ chức thu dung, chẩn đoán, cách ly điều trị kịp thời. Mặt khác, Trung tâm phối hợp với các ban, ngành liên quan trong công tác phòng chống dịch; duy trì các đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh tại tất cả các tuyến theo quy định; công bố số điện thoại đường dây nóng tại các cơ sở y tế để tiếp nhận thông tin dịch bệnh từ người dân và cộng đồng. Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống bệnh tiêu chảy cho người dân, Trung tâm chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền trực tiếp qua hoạt động khám chữa bệnh; lồng ghép vào các buổi họp dân; qua hệ thống loa phát thanh, truyền thông qua mạng xã hội zalo, facebook; tổ chức các chiến dịch tuyên truyền rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh môi trường...
Do bệnh tiêu chảy có khả năng lây lan nhanh và gây thành dịch lớn trong một thời gian ngắn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người sử dụng chung nguồn nước ăn uống và sinh hoạt, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh tiêu chảy bằng việc thực hiện các biện pháp: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi; sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ; mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh; hạn chế ra vào vùng đang có dịch... Khi có dấu hiệu của bệnh tiêu chảy phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.