“Tháng Giêng là tháng ăn chơi” với những buổi tiệc tùng, du xuân khiến nhiều người tăng cân chóng mặt. Để nhanh chóng lấy lại vóc dáng, không ít chị em đã dùng đủ mọi cách để giảm cân nhanh, trong đó, phương pháp chủ yếu vẫn là “bóp mồm bóp miệng”. Cách này liệu có an toàn?
Giảm cân bằng cách tính calo
Không thể sắp xếp thời gian để tập thể dục, lại lo sợ tác dụng phụ của các loại thuốc giảm cân, tiêu mỡ, hầu hết chị em nhất trí cho rằng cách giảm cân bằng chế độ ăn luôn khoa học và an toàn nhất. Bởi thế, những chủ đề được quan tâm đặc biệt trên các hội nhóm facebook về làm đẹp, giảm cân luôn là thực đơn ăn uống; loại thức ăn dễ gây tăng cân, cần “né”; phương pháp nhịn ăn nào hiệu quả nhất...
“Hot” nhất hiện nay là việc giảm cân bằng cách tính calo trong khẩu phần ăn. Cụ thể, người bình thường sử dụng khoảng 60% calorie qua một quy trình được gọi là sự trao đổi chất. Tỷ lệ đốt calo cho mục đích này được gọi là tỷ lệ trao đổi chất cơ bản (BMR). Công thức tính calo cũng dựa vào chỉ số BMR này. Phương pháp này khẳng định, nếu lượng calo nạp vào ít hơn lượng calo mà cơ thể tiêu thụ thì sẽ kích thích đốt cháy mỡ thừa, giúp giảm cân hiệu quả. Tất cả các loại thực phẩm đều có một bảng tính lượng calo để chị em tiện theo dõi, kiểm soát lượng calo nạp vào, từ đó tính toán thực đơn nhằm cắt giảm lượng calo hấp thụ mỗi ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế, calo là yếu tố quan trọng cho mọi hoạt động sống, bao gồm các hoạt động cơ bắp, vận động nội tạng, chuyển hóa trong cơ thể, hoạt động trí não, quá trình sinh nhiệt. Việc hấp thụ lượng calo còn phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi và hoạt động hằng ngày. Do đó, giảm cân bằng cách tính calo nghe có vẻ khoa học nhưng chưa chắc thực sự an toàn.
Chị Thu Hà (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Dịp sau Tết, cân nặng của tôi tăng “phi mã” vì những món đồ ăn chiên xào, bánh chưng, đồ ngọt... Chưa kịp “tiêu mỡ” thì chị em, họ hàng rủ nhau đi du xuân, lễ hội, bạn bè gặp mặt nhau ăn uống tụ tập... Thời gian dành cho việc tập luyện thể dục thì không có, tôi cũng không dám uống các loại thuốc giảm cân, thế là tìm đến phương pháp “khắc khổ” ép cân”.
Sau hai tuần áp dụng phương pháp tính calo để có một chế độ ăn giảm cân, chị Hà giảm được 2kg nhưng kéo theo đó là những ngày đi làm mệt mỏi, đầu óc “nhớ nhớ quên quên”. Trước mỗi bữa ăn chị lại phải đau đầu tính toán lượng calo của từng món ăn, kể cả những loại hoa quả, rau xanh vốn trước kia chị nghĩ có thể ăn thả ga mà không lo béo thì nay cũng phải tính xem nên chọn loại nào cho lượng calo thấp nhất... Bữa ăn chung của cả gia đình, vì thế, cũng mất cảm giác ngon miệng.
Cơ thể dễ “biểu tình” khi thiếu chất
Những người cố gắng giảm cân thường hạn chế lượng calo nạp vào. Tuy nhiên, việc hạn chế lượng calo quá nghiêm ngặt có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Theo TS.BS Lê Thị Thùy Dung, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, việc cắt giảm quá nhiều calo có thể làm giảm quá trình trao đổi chất của cơ thể. Thường xuyên ăn ít calo hơn nhu cầu của cơ thể có thể khiến quá trình trao đổi chất của chúng ta chậm lại.
Một trong những hệ quả của chế độ ăn kiêng hạn chế calo làm chậm quá trình trao đổi chất này là gây mất cơ. Việc mất khối lượng cơ đặc biệt dễ xảy ra nếu chế độ ăn hạn chế calo ít protein không kết hợp với tập thể dục. Hơn nữa, với nhiều người, việc áp dụng chế độ cắt giảm calo trong một thời gian có thể dẫn đến hiệu quả giảm cân như ý muốn, nhưng khi quay lại chế độ ăn bình thường, sự thèm ăn sẽ quay trở lại, tăng cường cảm giác đói và gây tình trạng ăn quá nhiều, cân nặng còn tăng “phi mã” hơn trước. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu tin rằng, sự trao đổi chất thấp hơn này có thể giải thích một phần lý do tại sao hơn 80% số người tăng cân trở lại sau khi họ ngừng thực hiện chế độ ăn kiêng hạn chế calo.
Nguy hiểm hơn, chế độ ăn cắt giảm calo xuống mức tối thiểu có thể gây ra sự mệt mỏi và thiếu hụt dinh dưỡng. Việc nhịn ăn để giảm cân thường kéo theo việc bổ sung không đủ nước, thiếu các vi chất cần thiết cho cơ thể như sắt, kẽm, magie..., từ đó gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, thậm chí là suy kiệt.