ĐBP - Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh hiện đang điều trị thường xuyên cho 11 trẻ mắc bệnh bại não. Bệnh này để lại những di chứng rất nặng nề, gây tàn tật chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em...
Cháu Đào Trần Gia Bảo, sinh năm 2019, trú tại xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) được gia đình đưa vào viện điều trị trong tháng 6 vừa qua. Do có tiền sử viêm não nên Gia Bảo phải mang trên mình những di chứng của bệnh bại não như yếu tay chân trái, không nói được, chậm phát triển thể chất và trí tuệ. Sau nhiều lần đưa con đi khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền huyện Điện Biên, gia đình tiếp tục đưa cháu đến Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh để điều trị.
Cũng trong tháng 6/2023, cháu Quàng Phúc Lâm, sinh năm 2018, trú tại xã Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ) tiếp tục được mẹ đưa đến Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh điều trị bệnh bại não. Theo chia sẻ của gia đình, nguyên nhân khiến Phúc Lâm bị bại não là do bệnh nhi bị ngạt sau sinh. Dù gia đình đã đưa con đi điều trị tại nhiều bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, song tình trạng vẫn không cải thiện nhiều. Hiện Phúc Lâm bị chậm phát triển trí tuệ, yếu tứ chi, yếu cột sống cổ và cột sống thắt lưng, chưa biết bò, chưa ngồi và đứng được, cầm nắm yếu, chưa biết nói.
Bác sĩ Lường Văn Tiến, Phó Trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh) cho biết: Bại não là một hội chứng với nhiều triệu chứng do tổn thương não trong giai đoạn phát triển của trẻ. Rối loạn hệ thần kinh này không tiến triển và các triệu chứng của bại não thay đổi theo tuổi và sự phát triển của não. Nguyên nhân bại não thường xảy ra khi trẻ đang trong thời kỳ tiền sản, thời kỳ mới sinh và thời kỳ sau sinh như sinh non, cân nặng nhẹ hơn bình thường, nhiễm trùng bào thai, mẹ mang bầu lạm dụng thuốc, mẹ bầu bị tiền sản giật; sang chấn sản khoa, rối loạn nhịp tim, thiếu oxy não; trẻ sau sinh có dấu hiệu co giật, thiếu oxy não, chấn thương vùng đầu…
Bệnh bại não có thể ảnh hưởng toàn bộ đến khả năng vận động của cơ thể, hoặc chỉ ảnh hưởng một phần hoạt động của cơ thể, giới hạn ở một chi hoặc một nửa cơ thể. Với các dấu hiệu và triệu chứng gồm: Chậm phát triển các kỹ năng vận động, chậm phát triển về ngôn ngữ, phản xạ quá mức, mất thăng bằng hoặc thiếu phối hợp cơ, cử động không tự chủ, chảy nhiều nước dãi và có vấn đề với ruột, các vấn đề về thần kinh như động kinh, thiểu năng trí tuệ và mù lòa. Đến thời điểm hiện tại, để chẩn đoán chính xác tình trạng bại não vẫn chưa có phương pháp cụ thể mà quá trình bại não thường được theo dõi trong thời gian dài để xác định thông qua một số phương pháp như: Chụp CT, điện não đồ, điện não địa hình đồ, điện cơ đồ, sơ đồ trở kháng máu não.
Theo bác sĩ Lường Văn Tiến, hầu hết các trường hợp bại não không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, người mẹ có thể chủ động giảm thiểu nguy cơ bị bại não cho con bằng cách tăng cường sức khỏe và phòng ngừa các biến chứng khi mang thai. Để ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro bị bại não ở thai kì hoặc đối với trẻ sơ sinh, người mẹ nên tiêm phòng đầy đủ nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng có thể gây tổn thương não của thai nhi. Cùng với đó, đảm bảo sức khỏe khi chuẩn bị mang thai, thường xuyên đi khám thai sớm trước khi sinh để giúp phòng ngừa sinh non, sinh con nhẹ cân và nhiễm trùng. Tuyệt đối không sử dụng thức uống có cồn và thuốc lá khi mang thai bởi điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng bị bại não ở trẻ. Đối với trẻ em, các bậc phụ huynh cần chú ý phòng ngừa chấn thương đầu cho trẻ bằng cách sử dụng các thiết bị, đồ bảo hộ an toàn cho trẻ, áp dụng các biện pháp an toàn cho trẻ khi tham gia vui chơi, hoạt động (đội mũ bảo hiểm khi cho trẻ ngồi xe máy, cho bé ghế ngồi ô tô riêng, dùng mũ bảo hiểm xe đạp, để thanh vịn an toàn trên giường…) và giám sát thường xuyên khi trẻ chơi những trò chơi vận động mạnh hoặc nơi tiềm ẩn nguy cơ không an toàn.