Cần thực hiện đúng việc giảm thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP

Thứ Tư 6:40 31/08/2022

ĐBP - Nhằm góp phần giúp các DN, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Đồng thời góp phần kích cầu tiêu dùng, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục tăng trưởng kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô. Ngày 28/1/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, trong đó có hướng dẫn giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2/2022.

Việc xây dựng và ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đã bám sát các nội dung quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan. Ngoài ra, cũng đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; đồng thời phù hợp với xu thế chung của thế giới về thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị định số 15/2022/NĐ-CP đã quy định rõ kể từ ngày 1/2/2022, một số mặt hàng sẽ được giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% đối với một số hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Nghị định số 15/2022/NĐ-CP cũng loại trừ một số loại hàng hóa không được giảm thuế và được quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.

Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, trường hợp doanh nghiệp và cộng đồng người nộp thuế có phát sinh hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì căn cứ loại hàng hóa, dịch vụ thực tế tại đơn vị, đối chiếu với quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP để áp dụng việc giảm thuế GTGT theo quy định. Các loại hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 10% và không thuộc loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thì được giảm 2% thuế suất thuế GTGT xuống còn 8%; Nghị định cũng quy định việc thụ hưởng chính sách này đến được với người tiêu dùng. Khi bán hàng được giảm thuế, cơ sở kinh doanh cần lập hóa đơn với thuế suất 8% và giao cho người mua. Trường hợp hóa đơn không theo mức thuế suất được giảm thì hai bên phải điều chỉnh hóa đơn theo đúng quy định. Nghị định cũng quy định đối với hàng hóa được giảm thuế, cơ sở kinh doanh cần lập hóa đơn riêng để giao cho người tiêu dùng theo đúng quy định.

Để triển khai kịp thời Nghị định này đến với người dân và doanh nghiệp, ngày 9/2/2022, Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện số 02/CĐ-TCT yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Thuế chỉ đạo các phòng, các Chi cục Thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý; bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế GTGT trên địa bàn để thực hiện đúng quy định về giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022 theo quy định.

Việc giảm thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ là giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng. Do đó, Nghị định quy định các Bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng, trong đó tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường (giá chưa có thuế GTGT) từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Nghị định, trên tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân, các tổ chức, cá nhân người nộp thuế nếu có vướng mắc cần liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hỗ trợ hướng dẫn kịp thời, cơ quan thuế các cấp sẽ kiểm tra, giám sát về giá bán hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Trường hợp phát hiện các hiện tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước để tăng giá bán của các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT, cơ quan thuế sẽ tham mưu, phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm.