ĐBP - Mảnh đất Điện Biên luôn gắn liền với bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số độc đáo. Trong đó nổi bật, đặc trưng nhất là văn hóa dân tộc Thái với những điệu xòe uyển chuyển, mải miết, say đắm lòng người. Điệu xòe là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Thái nói chung, người dân Điện Biên nói riêng.
Tinh hoa văn hóa xòe Thái
Không ai trả lời được điệu xòe có từ bao giờ. Người Thái chỉ biết rằng từ đời ông bà, tổ tiên đã có xòe. Xòe đã trở thành thứ in sâu vào tiềm thức, vào trái tim. Trong hội vui, nhạc vang lên là ai nấy đều như bị cuốn vào vòng xòe, cùng nắm tay nhau đoàn kết, di chuyển. Cứ thế mà xòe tự nhiên trao truyền từ đời này sang đời khác, trở thành điều không thể thiếu trong văn hóa dân tộc Thái như câu hát: “Không xòe không vui/ Không xòe cây ngô không ra bắp/ Không xòe cây lúa không trổ bông/ Không xòe trai gái không thành đôi”.
Nghệ nhân Vàng Thị Lướt, đội 4, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, là người dân tộc Thái trắng, có nhiều năm say mê, tìm tòi, phục dựng nghệ thuật xòe cổ. Bà lớn lên từ tiếng trống, tiếng nhạc, từ những điệu xòe rộn rã ở mảnh đất Chăn Nưa, Mường Lay cũ (nay thuộc huyện Sìn Hồ, Lai Châu). Bà Lướt kể lại: “Từ khi tôi còn bé, thấy người lớn múa thế nào thì mình cầm tay múa theo. Từng động tác như thấm vào máu, rồi cứ tự động mà múa chơi. Các cụ ngày xưa cũng vậy, làm gì có ai dạy, chỉ cầm tay nhau đi theo nhịp trống thành vòng tròn, với các động tác cơ bản đá chân, đánh tay, đổi chiều, chụm lại, múa mời chung vui, mời rượu... Có cả múa khăn, múa nón, quạt, chai nhưng các động tác đều cơ bản, dựa trên 6 bước đi kết hợp động tác tay, chân đơn giản. Điều quan trọng nhất trong điệu xòe là cái nắm tay đoàn kết. Bản tôi hồi ấy đông người lắm, cứ đến tết là tấp nập, vui tưng bừng. Từ mùng 1 tết, tối nào cũng đánh trống để gọi mọi người tập trung về vòng xòe. Vì bản đông người nên tạo thành 3 - 4 vòng liền, trong cùng là trẻ con, rồi đến thanh niên, vòng người lớn tuổi ngoài cùng. Tất cả cùng nắm tay chúc nhau một năm mới tốt đẹp, bình an, vượt qua mọi khó khăn”.
Thực tế, nghệ thuật xòe Thái là sản phẩm kết tinh từ tinh hoa văn hóa và sự sáng tạo của cộng đồng dân tộc Thái. Xưa kia thường được diễn ra trong các lễ vui lớn của bản, của vùng như tết, xên bản xên mường, kin pang... Múa xòe gọi theo tiếng dân tộc Thái là “xe khăn khen” (nghĩa là múa cầm tay). Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, những động tác múa được lấy cảm hứng từ các động tác sinh hoạt, lao động thường ngày, được các nghệ nhân, quần chúng nhân dân sáng tạo, cách điệu hóa nghệ thuật, sử dụng thêm một số đạo cụ hình thành nên múa nón, múa khăn, chai, quạt... làm cho các điệu xòe thêm phong phú, sống động. Xòe Thái có 6 điệu cơ bản, là khởi nguồn cho rất nhiều điệu xòe và các điệu dân vũ khác, bao gồm: Điệu xòe “khắm khen” có nghĩa là nắm tay cùng xòe; điệu xòe “Nhôm khăn” ca ngợi thành quả lao động sáng tạo của người dân; điệu xoè “Đổn hôn” ẩn chứa quan niệm sâu xa, đó là sự tiến lùi theo quy luật cuộc sống; điệu xoè “Phá xí” thể hiện tình đoàn kết, keo sơn, mỗi người dù đi xa bốn phương trời, vẫn tìm đến nhau, giúp đỡ nhau; điệu xoè “Khắm khăn mơi lảu” thể hiện sự hiếu khách; điệu xoè “Ỏm lọm tốp mư” thể hiện sự gắn kết bền vững của cộng đồng, khát vọng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Các động tác trong điệu xòe đều đơn giản, dân dã, mộc mạc nhưng hòa cùng âm nhạc truyền thống (trống, cồng, chiêng, chũm chọe, tính tẩu hoặc đơn giản chỉ là những thanh tre, thanh la) lại tạo nên một không khí rộn ràng, thiết tha, sôi nổi, có sức hút mãnh liệt và sức sống bền vững.
Sống mãi nghệ thuật xòe
Có thể thấy, ở đâu có người Thái sinh sống là ở đó có nghệ thuật xòe. Hiện nay việc phát triển các đội văn nghệ tại các bản dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã góp phần duy trì và phát triển các điệu xòe truyền thống. Ông Đào Duy Trình, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh đang có khoảng trên 1.150 đội văn nghệ thuộc các bản, trong đó phần lớn là các đội văn nghệ thuộc bản dân tộc Thái được coi là hạt nhân để duy trì và phát triển nghệ thuật xòe. Đặc biệt, việc phát triển nghệ thuật xòe tại các bản văn hóa du lịch không chỉ góp phần bảo vệ nét đẹp văn hóa này, phục vụ người dân bản địa mà còn thu hút sự tham gia của du khách khi đến địa phương mong muốn”.
Theo thời gian, từ những bước cơ bản xòe cổ, đến nay xòe Thái đã được phát triển lên thành nhiều điệu xòe và nâng lên thành nghệ thuật. Xòe biểu diễn cũng dần được chuyên nghiệp hóa, nhưng phổ biến nhất vẫn là xòe vòng, bởi sự đơn giản trong bước vũ, ai cũng có thể tham gia không phân biệt độ tuổi, giới tính, dân tộc, nghề nghiệp... Năm 2013, nghệ thuật xòe Thái tỉnh Điện Biên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và ngày 15/12 mới đây, nghệ thuật xòe Thái Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bà Bạc Thị Mỹ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc bản Chiềng Khoang, thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo) chia sẻ: “Là một người Thái, tôi rất yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình. Đặc biệt khi UNESCO ghi danh nghệ thuật xòe Thái là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi cùng bà con trong bản vô cùng tự hào, phấn khởi. Tôi 80 tuổi rồi nhưng vẫn muốn được múa, được xòe. Tin vui ấy đã khích lệ bản thân tôi thêm cống hiến để bảo tồn, gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ các điệu múa cơ bản của dân tộc Thái, câu lạc bộ chúng tôi đã phát triển, xây dựng lên các bài múa xòe đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ ngày nay mà vẫn giữ đúng bản sắc dân tộc và chỉn chu theo các bước múa cổ, như các điệu: Múa khăn xuân về bản, múa quạt cánh bướm mùa xuân, tiếng sáo gọi trăng, đêm trăng gọi bạn... Ngoài ra bản thân tôi còn thường xuyên được mời tham gia chia sẻ về văn hóa Thái tại các trường học trên địa bàn”.
UNESCO ghi danh nghệ thuật xòe Thái trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thêm khẳng định di sản xòe có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của dân tộc Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc nói chung. Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch riêng về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh được UNESCO ghi danh; tổ chức lễ hội văn hóa, lễ hội truyền thống hàng năm, trong đó đặc biệt quan tâm đưa nghệ thuật xòe Thái vào thực hành; tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo, phổ biến nghệ thuật xòe Thái; tăng cường trang bị cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa, cho lực lượng hạt nhân, các tổ đội văn nghệ quần chúng đang hoạt động trong các thôn, bản... Đồng thời trong tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, đảm bảo an toàn, ngành tham mưu tăng cường giao lưu văn hóa với nước có chung biên giới nhằm giới thiệu nghệ thuật xòe Thái Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực có múa xòe như: Lào, Thái Lan, Trung Quốc.
Nghệ thuật xòe Thái là di sản đáng trân trọng, tự hào. Để điệu xòe mãi “mê say như thuở nào”, mỗi người con dân tộc Thái, cũng như mỗi người dân Điện Biên, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm “nuôi dưỡng” nghệ thuật xòe, để phổ rộng ra cộng đồng và trao truyền qua các thế hệ.