Hoa trái mùa

Thứ Năm 6:05 21/04/2022

ĐBP – Hoàng hôn dần xuống.

Một xe tải chở hàng lao vút vào sân khách sạn.

- Chào anh, tôi mang ít lương thực thực phẩm ủng hộ khu cách ly. 

 Trước mắt tôi một người đàn ông trạc tuổi trung niên cao lớn, tóc để đầu bằng, với bộ râu quai nón nhìn dữ dằn như một “gã” đầu gấu anh chị, nhìn có vẻ quen quen.

- Anh Phan Vũ

- Anh không nhận ra thằng em Hùng tổ mộc trại giam C10 à.

 Tôi ậm ừ… Một lúc mới nhớ. Mới ngày nào mà giờ đến hai mươi năm mới gặp lại “gã” phạm nhân đặc biệt, ít nói lầm lỳ.

Hùng ào đến xiết chặt tay tôi.

- Anh chờ em giao ít hàng từ thiện ủng hộ cán bộ nhân viên, cùng bà con trong khu cách ly phòng chống dịch Covid-19. Lát em thưa chuyện, xin phép đưa anh về nhà em. Anh phải đồng ý đấy.

Nói rồi Hùng rút điện thoai, tôi nghe loáng thoáng gọi về nhà rồi vội bước nhanh ra xe tải xuống hàng ủng hộ.

Cuộc đời công tác trong ngành Công an phần lớn thời gian, tôi công tác tại các trại tạm giam, làm quản giáo, giáo dục quản lý phạm nhân, biết bao kỷ niệm  vui buồn khó quên về phạm nhân. Tôi nhớ lại ngày Hùng vào trại thi hành án, với nhiều tâm trạng. Lúc ấy, tôi đang kiểm tra lại các giấy tờ của phạm nhân tổ 6, để phân nhóm, phân nhiệm vụ, phân cán bộ quản lý thì anh lính trẻ đưa hồ sơ và một phạm nhân mới, để tôi làm sưu tra, thẩm vấn.

Họ tên Lò Quốc Hùng, sinh năm 1967… Quê quán... trình độ đại học nông nghiệp. Chức vụ trước khi bị bắt thi hành án, phó phòng nông nghiệp huyện. Với tội danh đánh bạc, chống người thi hành công vụ.

Tôi hỏi:

- Anh là kỹ sư nông nghiệp?

- Vâng ạ!

- Anh phạm tội lần đầu?

- Dạ!

- Tôi cho anh vào tổ trồng trọt, tổ mộc, anh chọn tổ nào?

- Dạ cán bộ cho tôi vào tổ mộc, vì ở nhà tôi cũng biết chút ít về nghề mộc ạ.

Hùng cùng anh em phạm nhân tổ mộc khá sáng tạo, làm được nhiều sản phẩm đẹp như bàn ghế gường tủ phục vụ cho trại tạm giam, với nhiều nét độc đáo khác lạ tinh xảo.

Thi thoảng tôi lại xuống xưởng mộc, gửi thư quà của gia đình cho Hùng,  động viên Hùng cải tạo chấp hành án cho tốt.

Ba năm trong trại, mãn hạn tù Hùng đến chào tôi hắn nói:

Em về quê sẽ làm lại từ đầu. Hy vọng có ngày được đón anh tại gia đình tôi.

Vậy đó thấm thoắt đã 20 năm.

Vừa nghỉ hưu. Bạn xây khách sạn, mời tôi ra làm tổ trưởng bảo vệ, trông coi quản lý hành chính, quản lý nhân viên. Quanh ra quẩn vào suốt năm tôi chưa có dịp đi chơi thăm thú bạn bè, thăm những phạm nhân đã từng ở trại tạm giam nơi tôi quản lý công tác.

Năm nay trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khách sạn dừng kinh doanh. Giám đốc khách sạn tình nguyện cho cơ quan tỉnh, làm nơi, tiếp nhận điều trị bệnh nhân cách ly.

Đang suy nghĩ miên man tôi giật mình.

- Lên xe về nhà thôi ngài giám thị ơi.

Trên đường gần 70km về nhà Hùng kể nhiều chuyện, chuyện về quê, bỏ hết sự nghiệp, rồi vi phạm pháp luật. về nhà với hai bàn tay trắng, rồi vào tận khu rừng đầu nguồn xa cách biệt, mở trang trại, trồng cây, nuôi gia súc gia cầm, nuôi cá. Số vốn ban đầu do cha mẹ cho, và vay vợ chồng em gái dài hạn. Mọi người thân trong gia đình tin tưởng tôi sẽ làm lại được từ đầu.

 Với chuyên môn kỹ sư nông nghiệp, lại đã từng công tác tại phòng nông nghiệp quen biết nhiều, sản phẩm làm ra, có người kết nối Hùng bán được giá có lãi.

Hùng kể:

- Khi em mãn hạn tù về địa phương, ban đầu cũng có nhiều e ngại, vì thoát ly từ nhỏ đi học trường nội trú tỉnh, đi học chuyên nghiệp rồi đi làm… Nay tay trắng lại đi cải tạo về. Nhưng chính quyền địa phương, công an xã quan tâm, tạo nhiều điều kiện, và bà con dân bản thì thật tốt bụng. Vậy là em hết mặc cảm suốt ngày chỉ một mình sống trong rừng, suy tính cách làm, củng cố trang trại.

Rồi như duyên sắp đặt, thân rồi yêu, em nên duyên nợ vợ chồng với Khánh Hiền - cô gái thường xuyên vào mua gia cầm ở trang trại ra chợ thành phố bán đổ.

Với địa thế rộng, vợ chồng em quy hoạch lại trang trại, trồng cỏ, chăn nuôi trâu, lợn, là nguồn thu nhập chính. Em tuyển dụng 5 người trong bản vào làm việc trả lương tạo công ăn việc làm ổn định.

…Vùng ngoài Điện Biên giờ thay đổi đến ngỡ ngàng. Tuyến đường bê tông rộng với hai làn xe lưu thông. Tại các điểm trường, trụ sở ủy ban xã, trường học, trạm y tế, đồn biên phòng trồng rất nhiều cây xanh, đặc biệt là cây hoa Ban. Thi thoảng xe lại băng qua một bản vùng cao, hầu hết các bản đều có nhà sinh hoạt cộng đồng, nếp nhà sàn ngói đỏ tươi.

- Vùng cao quê em giờ khác xưa nhiều anh ạ. Đường trường trạm điện nước sạch đều có. Hộ nghèo còn ít, hộ đói không còn, các cháu đều được đến trường, an ninh trật tự ổn định.

Lâu không gặp tôi liếc nhìn Hùng. Hắn vừa lái xe vừa liên mồm kể chuyện làm kinh tế, chuyện xóm bản. Chuyện ngày cưới vợ có rất đông người đến dự.

Những câu chuyện Hùng kể trên suốt tuyến đường, cuốn theo tôi theo suy nghĩ miên man.

Nhà Hùng ven đường, cạnh ủy ban xã, đối diện là đồn biên phòng. Căn nhà sàn rộng của dân tộc Thái.

Người ra đón chúng tôi là một phụ nữ khá trẻ đon đả chuyện.

- Anh Phan Vũ nhà em thường kể chuyện về anh.

Trong nhà hai mâm rượu đã được bày sẵn, có cả cán bộ xã, mấy anh em đồn biên phòng, và cả chàng “lính” trước là công vụ của tôi, nay được điều về làm trưởng công an xã vùng biên.

Hùng dõng dạc nói:

- Thưa các anh em, thưa đồng chí vợ, đây là anh Phan Vũ, nguyên giám thị trại giam Công an tỉnh, ân nhân của tôi, có anh khuyên bảo giáo dục tạo điều kiện, giúp đỡ, tôi mới có ngày hôm nay.

- Xin được nâng chén chúc mừng ngày anh em hội ngộ.

Mọi người nâng chén “cạch” chúc mừng, uống chung rồi uống riêng, những cái bắt tay siết chặt.

…Đêm đã về khuya, khung cảnh vùng biên tĩnh lặng, ánh trăng sáng tỏ, có chút men kha khá trong này gặp gỡ, vậy mà tôi không hề buồn ngủ. Tôi cứ nghĩ suy miên man, về cuộc đời hơn thiệt, bon chen, nghĩ về anh chàng Quốc Hùng, nghĩ về niềm vui của những người làm công tác giáo dục, quản lý người bị tạm giam, nghĩ về con đường hoàn lương của những người từng lầm lỡ...

Truyện ngắn của Hải Dương