ĐBP - Bản Pú Súa thuộc xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng. Với địa hình sinh sống, phong tục tập quán đặc trưng, người Mông ở Pú Súa vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc. Một trong số đó là tiếng khèn và nghệ thuật chế tác khèn.
Ông Hậu Phái Sếnh, bản Pú Súa, nghệ nhân chế tác khèn chia sẻ: Để có thể chế tác được một chiếc khèn cần rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cũng như khả năng thẩm âm, của người chế tác.
Khèn được chia làm hai phần chính, là thân khèn (ống thổi, bầu khèn, đuôi khèn) và ống khèn. Trong các bộ phận chính đều có các chi tiết, như: Lỗ thổi, lỗ tạo âm, chỉnh âm… Mỗi bộ phận sẽ được chế tạo riêng sau đó sẽ được lắp ráp lại thành một chiếc khèn hoàn chỉnh. Người thợ chế tác sẽ dựa theo âm thanh của khèn mà điều chỉnh các bộ phận để khèn hoàn thiện nhất từ âm thanh đến hình dáng…
Công đoạn chế tạo thân khèn cần rất tỉ mỉ, lượng hơi thổi vào nhiều hay ít, chủ yếu dựa vào độ to nhỏ của bầu khèn. Sau khi đã tạo xong thân khèn, thợ chế tác sẽ tiến hành làm ống khèn (tý khềnh). Ống khèn được làm bằng cây nứa, lấy về luộc rồi phơi nắng để khô. Khi dùng phần gốc sẽ để thẳng, phần ngọn chĩa ra sẽ được hơ qua lửa, làm mềm và uốn cong. Sẽ có 6 ống, 1 ống to (tý lùa), 5 ống nhỏ (tý khềnh), với hình dáng và độ dài khác nhau. Mỗi ống khèn là một chiếc sáo độc lập, được chế tác, gắn thêm lam khèn (lưỡi gà) bằng đồng. Để có được lưỡi gà tốt, người thợ sẽ phải nấu chảy đồng, đúc đồng sau đó rèn thành những lá đồng mỏng. Khi đã đạt đến độ mỏng nhất định, lá đồng sẽ được cắt, xẻ thành hình lưỡi gà và được cài vào lỗ khoét trên ống khèn. Đây là bộ phận quan trọng nhất quyết định âm thanh có đạt chuẩn hay không.
Sau khi chế tác tất cả nguyên liệu, người thợ sẽ lắp các bộ phận vào thân khèn; trong khi lắp, người thợ sẽ điều chỉnh sao cho vừa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, vừa đảm bảo các bộ phận khít với nhau, từ đó đi qua lưỡi gà và tạo ra âm thanh hòa tấu trầm bổng.