ĐBP - Sáng sớm, mặt trời vừa ló dạng. Khi bầy cháu trong nhà đang lui cui rửa mặt thì thấy bóng dáng bà khom lưng chậm rãi từ vườn bước vào. Trên tay bà cầm một bọc thị vàng ươm. Bầy cháu đã vây kín quanh bà, tíu tít chìa tay đón nhận từ bà từng quả thị thân thương, thơm lừng. Ðứa nào đứa nấy vội vàng đưa lên tận mũi mà hít lấy hít để như sợ hương thơm nó tan loãng đi đâu mất. Mùa thị với những đứa trẻ quê như chúng tôi bắt đầu từ khoảnh khắc ngọt ngào đó…
Dù không thể nhớ, đếm được chính xác trong khu vườn có bao nhiêu loại cây nhưng chắc chắn rằng tôi luôn nhớ cây thị cổ thụ nép mình bên góc vườn, lúc nào cũng sum suê lá, tỏa bóng mát. Mùa hạ đi qua chừng độ một đến hai tuần, chỉ cần bước tới đầu khu vườn đã thấy một mùi hương thơm dịu ngọt lẩn quất bao quanh. Càng đi dần vào trong khu vườn hương thơm càng hiện rõ. Kể ra mới thấy thời gian như một cỗ máy xoay vòng, nhanh chóng một cách không ngờ tới. Mới tháng trước đây thôi, khi tôi cùng bà ra thăm vườn, nhìn lên những tán lá xanh rì sum suê thị mới đang chúm chím đơm hoa. Hoa thị nở thành từng chùm, li ti nhỏ xíu trắng muốt rất đẹp. Tôi thấy chúng đẹp nhất khi có một cơn gió mạnh thổi qua, lúc đó hàng ngàn bông thị khẽ rơi xuống. Ðứng dưới tán cây cao rộng tôi tưởng mình đang đứng dưới cơn mưa sao lung linh huyền ảo. Thuở lên chín, lên mười tôi và lũ con gái trong làng thường hay nhặt những bông hoa xâu lại làm vòng đeo cổ, làm vương miện đội lên đầu chơi trò cô dâu chú rể.
Rồi cuối cùng cũng đến ngày thị bói quả. Từ lúc thị xanh chúng chỉ là một dấu chấm tròn bé xíu cho đến khi chín hẳn chuyển sang màu vàng trái tròn lẳn to gấp đôi cái chén uống nước thông thường, trông chúng như những chiếc đèn vàng bé xíu lúc lỉu treo trên cao. Thị là loại quả dường như người ta dùng để chơi là chính. Vì chúng có mùi thơm dịu ngọt, thu hút. Chỉ cần để ở nơi xa cũng đủ thấy hương thị thoang thoảng. Nhưng lũ con nít thì dường như “tham lam” hơn, lúc nào cũng muốn có một quả thị trong túi áo hoặc túi quần để lúc nào thèm thì lấy ra ngửi. Thị chơi chán thì dùng tay lấy nắn đến mềm rồi mới bóc ra ăn. Bởi khi nắn mềm thớ thịt mềm mọng và ăn không bị chát. Có chăng lúc cạp gần lớp vỏ lụa hạt thị thì mới thấy vị chan chát nhẹ nơi cuống họng. Hạt thị cũng được chúng tôi tận dụng phơi khô, chẻ thanh tre nhỏ xiên vào hạt và làm que đánh trống ếch hay dùng để “nghênh chiến” với nhau cũng rất thú vị
Mỗi mùa thị chín bà tôi lại lụi cụi nhờ con cháu hái cho vào chiếc thúng mang ra chợ làng bán. Ngoài dùng làm quà cho con nít, thị được người ta mua về để thắp hương ngày lễ. Ðặc biệt là trong mâm cỗ Tết Trung thu thì thị như linh hồn của cả mâm quả. Tôi nhớ mỗi quả thị hồi đó bán ra chỉ vỏn vẹn vài trăm đồng, chẳng đáng là bao nhưng bà tôi vẫn miệt mài ngồi bán phiên này cho tới phiên khác. Phiên chợ bán thị nào về bà cũng dành cho anh em tôi tấm quà bánh. Vào năm học bà gom tiền bán rau, bán thị mua sách vở quần áo cho anh em tôi. Tôi lớn lên bình yên bên bà, bên những mùa thị thân thương.
Thấm thoát vậy mà đã hơn hai mươi năm trôi qua. Cây thị cổ thụ nơi góc vườn đến mùa vẫn đắp đĩu quả nhưng bà tôi đã trở thành người thiên cổ. Mỗi lần mùa thị tới tôi nhớ lũ bạn năm xưa, nhớ dáng bà khom lưng, gồng gánh từng rổ thị ra chợ bán. Trong vô thức, bâng khuâng mùa thị về khóe mắt tôi nhòe cay khi đọc được những câu thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương: “Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện/ Sẽ được thấy nhìn các bà tiên/ Thấy chú bé đi hài bảy dặm/ Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền…”. Dường như hương thị đang ngạt ngào lan tỏa...