Bà mình mới ở quê ra
Bà cho cả bưởi, cả na đi cùng
Áo bà xe cọ lấm lưng
Bưởi na bà bế bà bồng trên tay.
Ðường ra tỉnh rất là dài
Cách một cái núi với hai cái cầu
Rồi bao nhiêu mái nhà cao
Bao nhiêu phố nữa, với bao nhiêu đường.
Ðón bà, nhà rộn mùi hương
Theo bà có cả cây vườn quê xa.
Phan Quế
Tình cảm người bà qua một bài thơ lục bát
Nhà thơ Phan Quế (các bút danh khác Thạch Bằng, Nhật Văn…) sinh năm 1945, quê quán Thạch Thất (Hà Nội). Ông có nhiều tập thơ, trường ca được bạn đọc chú ý như “Trái tim lang thang”, “Tên đất tên làng”, “Vầng nguyệt thảo”… Tác giả cũng là người giành nhiều giải thưởng của tạp chí Văn nghệ quân đội, tạp chí Tác phẩm mới, báo Nhân dân, Ðài Tiếng nói Việt Nam… Bài thơ Bà được viết bằng thể thơ lục bát, in trong sách Tiếng Việt lớp 3, bộ Cánh diều năm 2022. Ðó là một thi phẩm dung dị nhưng sâu lắng cảm xúc, thể hiện tình cảm yêu thương ruột rà trong gia đình. Ðặc biệt, qua bài thơ này, tác giả khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người bà nơi chốn quê, dù ở cách xa nhưng lúc nào cũng hướng đến cháu con bằng tình thương yêu vô hạn.
Bài thơ có mười câu thơ lục bát, có thể chia thành ba ý: Giới thiệu người bà ở quê ra thành phố thăm cháu (4 câu đầu); hình ảnh con đường từ nhà bà đến thành phố xa xôi, khó nhọc (4 câu tiếp); tình cảm nồng ấm, vui vầy khi cả nhà đón bà đến thăm (2 câu kết).
Bốn câu thơ đầu giới thiệu hình ảnh người bà từ quê ra phố thăm cháu thật bất ngờ, thú vị. Bởi lẽ, bà đi đâu chỉ có một mình mà có “cả bưởi, cả na đi cùng”. Bưởi và na là sản vật nơi mảnh vườn nhỏ trồng được, giờ đến thành phố thăm cháu, bà cũng gói ghém mang theo. Cái hay ở đây chính là tác giả đã nhân hóa quả bưởi, quả na như một con người, cũng biết đòi đi, cũng biết nhớ cháu lắm nên bà mới “cho” đi cùng. Nhờ đó, những hình ảnh mở đầu trở nên sống động, vui tươi và gần gũi với tâm hồn các bạn nhỏ: Bà mình mới ở quê ra/ Bà cho cả bưởi, cả na đi cùng.
Ðến hai câu thơ tiếp theo, sự đối lập giữa bà và quả bưởi, quả na đã làm cho ý thơ tràn đầy cảm xúc. Áo bà dính bẩn sau lưng do ngồi xe đò nhiều giờ, nhưng quả bưởi, quả na vẫn không hề hấn gì, vì chúng được “bà bế bà bồng trên tay”. Hóa ra, bà nâng niu những quả ngọt trong vườn để không dập vỡ, để đảm bảo lành lặn đến tận thành phố cho cháu, bà có kể gì quần áo của mình lấm bẩn. Phải tinh tế lắm nhà thơ Phan Quế mới có những câu thơ miêu tả tưởng bình thản như không mà lại rưng rưng xúc động, chất chứa yêu thương đến thế.
Sau một khoảng thời gian được nghỉ ngơi, người bà mới ôn tồn kể lại hành trình đi thăm cháu của mình. Dù không gian xa xôi khi từ nhà của bà đi đến thành phố, nhưng bà kể rất vui, rất hóm hỉnh và đầy thú vị. Các cụm từ chỉ số đếm cứ nối tiếp nhau biểu đạt sự cách trở “đường ra tỉnh rất là dài” và pha chút ngạc nhiên: một cái núi, hai cái cầu, bao nhiêu mái nhà cao, bao nhiêu phố, bao nhiêu đường. Quả vậy, gian khó thật nhiều, tuổi già sức yếu, nhưng vì tình thương yêu của bà với cháu con nhiều lắm nên bà nào quản đường sá xa xôi, cách trở. Sự cảm động thấm thía vì thế không nằm ở câu chữ mà được tác giả gói nén vào trong một cách sâu kín.
Hai câu thơ cuối bài thể hiện tình cảm nồng ấm, tươi vui khi cả nhà đón bà từ dưới quê lên chơi. Tác giả Phan Quế không miêu tả cụ thể niềm vui ấy trên nét mặt hay qua cử chỉ, cảm xúc của các thành viên gia đình, chỉ thể hiện bằng cụm từ “nhà rộn mùi hương”. “Rộn” là rộn ràng, rộn rã, thực ra mùi hương không có tính chất này. Thường ta chỉ nghe mùi hương thơm, mùi hương bay, mùi hương phảng phất… Thật vậy, mượn một làn hương cây trái để diễn tả tình cảm ấm nồng, niềm vui sum họp của cháu con khi đón bà là một cách biểu đạt tinh tế và giàu giá trị nghệ thuật: Ðón bà, nhà rộn mùi hương/ Theo bà có cả cây vườn quê xa. Bà và quả ngọt từ cây vườn đến thành phố thăm cháu, thế thì còn gì vui hơn, hạnh phúc hơn được nữa? Quê hương xa xôi bỗng hóa nên gần gũi, ấm áp cũng bắt đầu từ những gì thương mến, thiết tha.
Bài thơ Bà chỉ ngắn gọn trong mười câu thơ lục bát mang điệu hồn dân tộc, nhưng lắng sâu trong hình thức đơn sơ ấy là cả một trời thương yêu mênh mông, cao đẹp của người bà dành cho cháu con.