Tìm cha trong những ngày xưa
Còn nguyên ký ức nắng mưa đậm màu.
Hạt mầm cha ủ đất sâu
Lên xanh cây lá…mái đầu trắng mây
Tinh sương trâu dắt chặt tay
Ðồng làng lồi lõm bắp cày trĩu vai
Trưa chiều bữa sắn bữa khoai
Ðêm hôm thấp thỏm sáng mai nhọc nhằn
Bì bõm… tìm kiếm miếng ăn
Manh áo bợt bạt đằm đằm mồ hôi
Thỉnh thoảng đôi chút thảnh thơi
Thuốc lào nhả khói nhìn trời lơ mơ
Những hôm gió bão thẫn thờ
Xót xa cây lúa vật vờ mưa giông.
Ước ao ngong ngóng chờ trông
Nuôi con khôn lớn… cha mong một ngày
Dang rộng đôi cánh con bay
Bầu trời rộng lớn… cha say rượu mừng…
Ninh Ðức Hậu
Bóng cha xưa luôn làm con thổn thức
Chỉ qua nhan đề bài thơ đã làm rung động trái tim người đọc. Ðấy là lòng khiêm cung, là nỗi nhớ thương vời vợi của đạo làm con đối với người cha kính quý của mình. Thế rồi, bằng giọng điệu thơ lục bát mượt mà, êm ả như một khúc ru, nhà thơ Ninh Ðức Hậu đã “tạo nhịp cầu vào tim” người đọc để cùng hướng về công lao sinh thành dưỡng dục của người cha bằng cả tấm lòng trân quý.
“Tìm cha trong những ngày xưa”, câu thơ mở đầu đằm sâu, da diết khơi dòng hồi tưởng. Chữ nào cũng gợi cảm. “Cha” là hình ảnh gợi nhớ, “ngày xưa” là thời gian gợi thương, “tìm” là nỗi lòng nhớ thương thường trực. Người đọc như được đồng cảm tìm về kí ức nhọc nhằn của người cha đã từng nếm trải. Kí ức thường xa mờ theo thời gian. Nhưng ở đây vẫn còn đậm nét tươi nguyên và ám ảnh, hiện về từ tấm lòng kính nhớ của con đối với cha: “Còn nguyên ký ức nắng mưa đậm màu”. Câu thơ lắng đọng nỗi thao thiết, nỗi ngậm ngùi khi nhớ về những gian lao vất vả của người cha (nắng mưa đậm mầu).
Bằng những hình ảnh ẩn dụ tự nhiên mà tinh tế: “Hạt mầm cha ủ đất sâu/ Lên xanh cây lá… mái đầu trắng mây”. Tấm lòng của cha thật cao vời, cứ bền bỉ đi cùng năm tháng. Với tình cảm thiêng liêng máu thịt, cha dành cho con tình thương vô bờ bến, từ khi con còn đỏ hỏn đến khi khôn lớn. Khi đó, cha đã bước sang tuổi xế chiều. Liệu rằng, khi con đã khôn lớn thì trách nhiệm của cha như đã hoàn thành? Không. Vẫn dõi theo con trọn đời! Ta nhận ra điều này ở dấu ba chấm (…) trong câu thơ: “Lên xanh cây lá…mái đầu trắng mây”. Cái vi diệu của thơ là vậy. Và “ý tại ngôn ngoại” của thơ là vậy.
Người ta thường nói, thơ là bóng của hình. Tác giả đi tìm bóng của hình bằng nỗi nhớ thương da diết, rồi mượn dòng lục bát để tiếng lòng cất lên thổn thức. Cái bóng ấy là những ánh xạ đầy ấn tượng, ám ảnh chẳng nhạt mờ, hiện về từ quá khứ. Là những truân trải của cha để cho con “Lên xanh cây lá…”.
Trong dòng hồi tưởng đó, hiện lên hình ảnh cảm động của người cha - một lão nông quanh năm vất vả, nhọc nhằn được tác giả biểu đạt bằng những hình ảnh thơ giàu sức gợi: trâu dắt chặt tay, bắp cày trĩu vai, bì bõm… tìm kiếm, đằm đằm mồ hôi… Những hình ảnh ấy vừa có ý nghĩa tả thực, vừa như nỗi thấu cảm mang nặng tâm tư thầm kín của con đối với cha.
Với cha thảnh thơi chỉ là phút chốc, chỉ là thỉnh thoảng. Trong lao lực lại thường trực với tâm trạng lo lắng xót xa mùa vụ trước sự thất thường của thời tiết. Nỗi lòng ấy được gởi vào những từ láy chỉ tâm trạng: thảnh thơi, lơ mơ, thẫn thờ, vật vờ… hiển lộ ở 4 câu thơ tiếp theo. Tất cả cùng cộng hưởng với nghệ thuật nhân hóa, tạo nên một hòa âm trầm lắng, man mác buồn của kiếp phận người dân quê qua những thời kì khó khăn gian khổ, mà điển hình là nhân vật trữ tình (người cha) trong bài thơ.
Khổ thơ cuối cùng phần nào hé mở thêm đức tính cao quý của người cha. Ngoài nỗi vất vả lo toan để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, cha còn định hướng cho con vào đời. Ðấy là những tâm niệm, những ước ao cầu muốn cho con được “dang rộng đôi cánh” bay vào “bầu trời rộng lớn”. Ước mong cao quý đấy luôn thường trực trong tâm trạng “Ước ao ngong ngóng chờ trông” để cha được ngày “say rượu mừng”. Ước ao là thế. Còn hiện thực thì sao? Tôi thật sự sững lại khi đọc khổ thơ cuối này và nhất là câu bát cuối cùng “Bầu trời rộng lớn… cha say rượu mừng…”. Hai dấu ba chấm (…) đã tạo ra khoảng trống mỹ học không lời để người đọc liên tưởng. Liệu rằng cha có được ngày “say rượu mừng” khi con đã thành đạt! Vì khi con khôn lớn thì cha đã “mái đầu trắng mây”… Người đọc như chùng xuống với nỗi xót xa ngậm ngùi. Còn khi cha được “say rượu mừng” đấy là điều hoan hỉ xứng công với những gì cha đã hi sinh. Tôi tin ở giả thiết thứ hai này. Vì luật nhân quả luôn tồn tại ở cõi nhân sinh.
Ðọc “Tìm bóng cha xưa”, hình tượng người cha hiện lên thật cao cả. Bên cạnh hình tượng đẹp (người cha), dù cho tác giả không trực tiếp miêu tả tính cách người con, nhưng qua hai từ “Tìm cha” duy nhất xuất hiện ở dòng thơ đầu tiên. Ta nhận ra, ẩn trong câu chữ vẫn có hình tượng người con hiếu thảo, biết xót xa, biết thấu cảm về nỗi cơ cực của người cha kính yêu. Như vậy, hai hình tượng đẹp đã soi chiếu cùng làm sáng lên vẻ đẹp của nhau. Ðấy là hình tượng cha - thầm lặng hi sinh cho con cái nên người, con - hiếu thảo trọn đời kính nhớ về cha.