Bối cảnh phim tại Việt Nam: Đánh thức "Nàng công chúa ngủ trong rừng"

Thứ Hai 16:56 11/12/2023

Được nhận định là "nhân vật thứ 3", bối cảnh có vai trò quan trọng trong một tác phẩm điện ảnh. Việt Nam là đất nước sở hữu nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ và giàu tiềm năng nhưng lại chưa được nhiều nhà sản xuất phim thế giới biết đến. Làm thế nào để đánh thức và khai thác được nguồn tài nguyên này, góp phần vào việc phát triển ngành công nghiệp điện ảnh vẫn còn là câu chuyện dài.

1. Mới đây, nhiều khán giả yêu điện ảnh vui mừng khi hình ảnh Vịnh Hạ Long xuất hiện đầy ấn tượng với nước non trùng điệp, mặt nước xanh biếc phẳng lặng đặc trưng trong trailer phim "The Creator" (Kẻ kiến tạo) của đạo diễn Gareth Edwards với mức đầu tư phim lên đến 80 triệu USD. Trước khi thực hiện bộ phim "bom tấn" này, đạo diễn Gareth Edwards đã đến nhiều nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Nepal, Nhật Bản, Indonesia để tham quan, khảo sát bối cảnh. Tại Việt Nam, đoàn làm phim đã quay những cảnh đồng lúa, ruộng bậc thang cũng như những vách đá vôi tuyệt đẹp ở Vịnh Hạ Long.

Vịnh Hạ Long trở thành bối cảnh quay của nhiều bộ phim.

Đạo diễn Gareth Edwards chia sẻ, ông đã có dịp đến Việt Nam và tham quan Vịnh Hạ Long. Dành tình cảm đặc biệt cho khung cảnh non nước nơi đây, vì vậy, ông đã quyết định sử dụng vẻ mênh mông tĩnh lặng của Vịnh Hạ Long làm bối cảnh cho cuộc chiến trong phim. Như vậy là phải sau gần 6 năm, kể từ "bom tấn" "Kong: Skull Island" (Kong: Đảo đầu lâu) của đạo diễn Jordan Vogt - Robert, năm 2017, Việt Nam mới lại trở thành bối cảnh của một bộ phim quốc tế. Điều đó quả thật hơi đáng tiếc với một đất nước giàu tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, phong phú về văn hóa như Việt Nam.

Làm thế nào để phát huy được vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam trong những tác phẩm điện ảnh trong nước và quốc tế là điều mà những người làm điện ảnh quan tâm lâu nay. Không phải ngẫu nhiên mà trong khuôn khổ LHP Việt Nam lần thứ XIII vừa diễn ra cuối tháng 11 tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), một loạt hoạt động được Ban tổ chức thực hiện bên cạnh hoạt động chuyên môn để góp phần vào chủ đề "Đà Lạt - Khơi nguồn cảm hứng điện ảnh".

Bởi Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, với những ưu thế của mình, Đà Lạt là nơi thích hợp cho nhiều đoàn làm phim chọn làm bối cảnh quay. Thực tế, "thành phố ngàn hoa" đã trở thành bối cảnh của khá nhiều phim điện ảnh và truyền hình. Nhưng Đà Lạt vẫn chưa thực sự được khai thác hết thế mạnh cũng như ghi dấu bằng những tác phẩm có sự lan tỏa rộng ra ngoài biên giới. Tương tự, một trong những nội dung xuyên suốt được đưa vào tại các kỳ LHP Quốc tế Hà Nội chính là "Triển lãm Các bối cảnh quay phim tại Việt Nam"…

Việt Nam có thiên nhiên tươi đẹp, đa dạng, hùng vĩ được coi như "mỏ vàng" để sử dụng làm bối cảnh của những bộ phim điện ảnh. Tuy nhiên, mới có một vài địa phương có may mắn xuất hiện ở những tác phẩm điện ảnh quốc tế. Trong đó phải kể tới "Đông Dương", bộ phim nước ngoài đầu tiên được quay trong các lăng tẩm, cung điện thuộc quần thể di tích cố đô Huế từ năm 1990. Sau khi phim giành giải Oscar cho phim nước ngoài xuất sắc nhất, Việt Nam đã chứng kiến một lượng lớn du khách Pháp tới Việt Nam vào thời điểm đó.

Thực tế, đánh thức và khiến cho vẻ đẹp những bối cảnh ấy tỏa sáng, thậm chí khiến khán giả thế giới sửng sốt lại thuộc về những nhà làm phim nước ngoài. Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đã được thể hiện tuyệt đẹp thông qua các tác phẩm điện ảnh vang danh một thời như "Người tình" (L'Amant, 1991), "Đông Dương" (Indochine, 1992) của điện ảnh Pháp, "Người Mỹ trầm lặng" (The Quiet American, 2002). Gần đây, trước "The Creator", Vịnh Hạ Long cũng từng xuất hiện trong nhiều bộ phim bom tấn quốc tế như "Kong - Skull Islan" (Đảo đầu lâu)…

Việc trở thành bối cảnh của những bộ phim đã mang lại những lợi ích lớn với du lịch. Với khoảng 70% các cảnh quay tại Việt Nam, trong đó có các ảnh quay tại Quảng Bình, Ninh Bình và Ninh Bình thì hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đã đến những địa điểm này. Tương tự, ngôi nhà cổ của ông Huỳnh Thủy Lê vốn là bối cảnh trong phim "Người tình" của đạo diễn Jean Jacques Annauth cũng trở thành một điểm hút khách tại tỉnh Đồng Tháp…

2. Điện ảnh Việt Nam cũng có công khiến khiến cho một số địa danh được khởi sắc như Hà Giang hùng vĩ trong "Chuyện của Pao", biển trời Phú Yên trong "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" và hình ảnh sông nước miền Tây trong phim "Cánh đồng bất tận" và gần đây nhất là "Đất rừng phương Nam"…

Bối cảnh Hà Nội trong phim “Hà Nội 12 ngày đêm”.

Hình ảnh cố đô Huế trầm mặc, uy nghiêm cùng lối sống thong thả của người dân nơi đây cũng xuất hiện nhiều trong các bộ phim của Việt Nam như "Trăng nơi đáy giếng" (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn). Sau này, Huế cũng lại trở thành bối cảnh của nhiều bộ phim thương mại thu hút đông khán giả như "Gái già lắm chiêu" (đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân - Nam Cito), "Mắt biếc" (đạo diễn Victor Vũ) và gần đây nhất là "Em và Trịnh" (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh)…

Cũng như Ninh Bình chỉ thật sự tỏa sáng và thu hút sự chú ý của du khách khi trở thành bối cảnh của bộ phim ăn khách trong và ngoài nước như "Người Mỹ trầm lặng", "Đảo đầu lâu", sau này là "Pan", "Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc" (đạo diễn Đới Tư Kiệt), "Thiên mệnh anh hùng", "Tấm cám - chuyện chưa kể". Nhiều nơi đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn hàng nghìn du khách sau khi trở thành bối cảnh phim như ở các địa phương: Phú Yên, Huế, Ninh Bình…

Mặc dù là đất nước sở hữu nhiều cảnh đẹp có thể trở thành bối cảnh phim hấp dẫn nhưng có một nghịch lý là các nhà làm phim đều thừa nhận chọn bối cảnh cho phim chưa khi nào dễ dàng, nhất là những phim có yếu tố cổ trang, lịch sử hay đại cảnh rộng lớn. Nguyên nhân là do cuộc sống hiện đại tác động khá nhiều vào khung cảnh tự nhiên.

Đạo diễn Đào Bá Sơn khi thực hiện bộ phim "Long thành cầm giả ca" từng vất vả nhiều ngày tháng chỉ bởi có khi chọn được núi non trùng điệp, quang cảnh làng cổ phù hợp cho phim rồi nhưng lia máy quay lên thì xa xa lại xuất hiện… đường dây tải điện cao thế. Gần đây, đạo diễn Phi Tiến Sơn khi làm phim "Đào, phở và piano", một bộ phim do Nhà nước cấp kinh phí làm  có bối cảnh là Hà Nội những năm 1946 - 1947 đã phải dựng lại hoàn toàn tại một địa điểm tại Đại Lải, Vĩnh Phúc.

Nhà sản xuất phim Nguyễn Thị Hồng Ngát trong quá trình thực hiện bộ phim "Hồng Hà nữ sĩ" cũng đã phải đi khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ để tìm bối cảnh. Cuối cùng, đoàn làm phim sử dụng địa điểm ở cả 3 tỉnh là Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh để làm thành bối cảnh sinh sống cho nhân vật Đoàn Thị Điểm. Còn như đạo diễn Victor Vũ chia sẻ, khi thực hiện bộ phim "Người vợ cuối cùng", ê kip làm phim đã khảo sát được một vài địa điểm ưng ý ở Tuyên Quang, tuy nhiên giao thông không thuận lợi, khó đảm bảo an toàn cho nhân sự và máy móc của ê kip nên đoàn phim đành phải chọn địa điểm khác. Tương tự, Đà Lạt xưa vốn là thiên đường của các nhà làm phim nhưng giờ đây, với tốc độ đô thị hóa, từng ngõ ngách của thành phố ngàn hoa này đều đã bị khai thác…

Nguyên nhân của việc bối cảnh phim Việt Nam có tiềm năng nhưng chưa được khai thác xứng tầm có nhiều nhưng cốt lõi là thiếu thông tin để các nhà làm phim nước ngoài tiếp cận dễ dàng cũng như chưa có cơ chế ưu tiên đặc thù.  Theo các chuyên gia thì để thu hút được các nhà làm phim nước ngoài vào Việt Nam, ngoài việc cấp phép nhanh gọn, thông thoáng, cần có những thông tin về nhân lực, hỗ trợ thiết bị…cũng như đầu mối để các nhà làm phim kết nối. Điều này các nước trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản, Philipin, Malaysia… làm khá tốt.

Một điểm sáng ở vấn đề này là mới đây, UBND tỉnh Phú Yên cùng Hiệp hội Xúc tiến Điện ảnh Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế "Xây dựng Bộ chỉ số hấp dẫn quay phim gắn với phát triển kinh tế, xã hội từ thực tế tỉnh Phú Yên". Theo đó, Bộ chỉ số hấp dẫn quay phim/ PAI (Production Attraction Index) do Hiệp hội Xúc tiến điện ảnh Việt Nam xây dựng và triển khai sẽ đánh giá sự quan tâm của các tỉnh thành trong việc đón đoàn làm phim, từ đó nâng cao sức hấp dẫn của các địa phương theo 5 tiêu chí: hỗ trợ tài chính, thông tin, thực địa, thủ tục pháp lý và hạ tầng sẵn có.

Phú Yên sẽ là địa phương đầu tiên thí điểm mô hình Bộ chỉ số với mong muốn mở ra cánh cửa chào mời các đoàn làm phim đến với vùng đất này. Hy vọng, sau Phú Yên, nhiều địa phương tại Việt Nam tiếp tục có những cơ chế rộng mở chào đón các đoàn làm phim trong nước và quốc tế, tạo điều kiện cho kinh tế - du lịch phát triển.