Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đang được xác định là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là khu vực còn rất nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, sau 7 năm kể từ ngày ban hành Chiến lược phát triển các ngành CNVH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đến nay, CNVH vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.
Trong vài năm trở lại đây, việc khai thác các thế mạnh, tiềm năng về văn hóa đặc sắc, riêng có của từng địa phương để phát triển CNVH ngày càng được nhiều địa phương quan tâm phát huy dù kết quả chưa như mong muốn.
Khai phá các “kho” di sản quý
Được tự hào là vùng đất có truyền thống văn hiến, có lịch sử hào hùng gắn liền với tiến trình lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Nam Định là nơi hội tụ và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là một trong những địa phương được xác định giàu tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa.
Các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc chính là đòn bẩy cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Nếu xuất phát từ Hà Nội, chỉ sau khoảng 2h, du khách đã có thể đẫm mình trong những không gian di sản đậm chất riêng của thành Nam. Trong đó, được đặc biệt quan tâm khai thác gần đây có các cung đường di sản với nhiều điểm tham quan đẹp và khá lạ như những ngôi nhà thờ tráng lệ, đậm phong cách kiến trúc châu Âu có hàng trăm năm tuổi như nhà thờ Phạm Pháo, nhà thờ Hưng Nghĩa, nhà thờ Phú Nhai...
Cũng trong hành trình khám phá cung đường di sản thành Nam, du khách còn có dịp khám phá nhiều công trình đậm chất Á Đông cũng có tuổi đời hàng trăm năm như Cầu Ngói Chùa Lương (Hải Hậu), chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), hay những ngôi làng cổ lâu đời của thành Nam như rối nước làng Rạch (phường rối nước Nam Chấn, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực) làng ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh), kèn đồng Hải Minh (Hải Hậu)...
Được biết, thời gian qua, việc khai thác giá trị di sản của Nam Định phục vụ khách du lịch đã bước đầu mang đến những tín hiệu vui cho người dân bản địa. Ông Phan Văn Khuể, nguyên trưởng đoàn rối nước Nam Chấn cho biết, trước đây, người dân địa phương chỉ biểu diễn vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm - ngày kỵ của thành hoàng làng và cũng là ông tổ nghề múa rối nước, nhưng hiện nay, đoàn rối biểu diễn thường xuyên, định kỳ. Ngoài nhận lời mời đi lưu diễn lưu động ở các địa phương khác vào dịp lễ hội, biểu diễn phục vụ người dân và du khách ở Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội). Múa rối nước được chính quyền các cấp quan tâm nhiều hơn, các công trình phúc lợi, từ nơi thờ tự, thủy đình, nơi bảo quản con rối bước đầu được đầu tư xây dựng khang trang hơn.
Nghệ nhân Phan Văn Mạnh của làng rối Nam Chấn cũng chia sẻ, gia đình ông có nhiều đời gắn bó với tạo tác con rối và biểu diễn múa rối nước. Khoảng 4-5 năm trở lại đây, gia đình thường tổ chức biểu diễn múa rối nước di động vào các dịp lễ hội, tổng kết năm học, trung thu... Mỗi tháng, sân khấu vẫn sáng đèn gần chục buổi, phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, ông Mạnh cũng thừa nhận, gia đình gắn với tạo tác con rối và biểu diễn vì yêu mến nghề nghiệp của cha ông. Thế hệ con cháu sau này đã học hành thành tài, khó dành tâm huyết cho nghề như cha ông, vì thu nhập từ nghề còn thấp.
Nghệ nhân Phan Văn Mạnh bên kho con rối của gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Nhàn, Giám đốc điều hành Ecohost Hải Hậu và Tonkin Legends cũng bày tỏ nhiều băn khoăn. Theo bà Nhàn, Nam Định vô cùng giàu tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, du lịch xanh và bền vững. Các hoạt động du lịch trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, con người tại Nam Định được du khách ở trong và ngoài nước yêu thích. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn tài nguyên cho du lịch vẫn ở dạng tiềm năng.
Để khai thác và phát huy tốt các tiềm năng này, Nam Định còn cần nhiều điều kiện, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ hơn từ nhiều phía, cả người làm quản lý, các chủ thể văn hóa và cộng đồng doanh nghiệp. Như với rối Nam Chấn, Hồng Quang mặc dù là một trong những cái nôi của rối nước Việt Nam, song đến nay, so về sự sáng tạo, đổi mới trò diễn, Hồng Quang chưa thể bằng một số địa phương khác. Làng ươm tơ Cổ Chất đang được xác định là một trong những điểm nhấn thú vị trong tour “Con đường di sản thành Nam” nhưng người làm du lịch sẽ gặp khó khăn nếu chúng ta chỉ khai thác những gì chúng ta đang có mà không có sự đầu tư thêm. Trong khi đó, nhiều hộ dân được đề nghị tham gia vào chuỗi hoạt động lại ngần ngại rằng khó đảm bảo thu hồi vốn nếu mạnh dạn đầu tư thêm cơ sở vật chất để phục vụ khách du lịch...
Nhận diện rõ hơn cả về tiềm năng và hạn chế
Thủ đô Hà Nội – vùng đất kinh kỳ nghìn năm văn hiến là địa phương dẫn đầu cả nước số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực khai thác nguồn lực để phát triển CNVH, trong đó có du lịch nhưng cũng đang gặp không ít vướng mắc.
Như bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội từng chia sẻ thì đó là sự tốn kém về chi phí vận hành, quản lý và triển khai các hoạt động về văn hóa, nghệ thuật tại các điểm di tích trong khi nguồn xã hội hóa, ngân sách dành cho các hoạt động tại đây chưa tương xứng. Nhận thức và trách nhiệm của một số đơn vị còn hạn chế, nhất là trong việc bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho hoạt động diễn ra.
TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng tiết lộ, khi mới xây dựng đề án ứng dụng thuyết minh đa phương tiện, bảo tàng gặp không ít khó khăn vì đây là dự án hợp tác công - tư, huy động xã hội hóa, chưa có tiền lệ. Sau nhiều nỗ lực, đến năm 2021, dự án iMuseum VFA mới được đưa vào sử dụng. Đến nay, ứng dụng được đông đảo công chúng đón nhận. Tuy nhiên, để có thành công này thì phải cần nhiều điều kiện, trong đó có việc tìm kiếm được đối tác đảm bảo nguồn lực về tài chính và có tình yêu đủ lớn đối với văn hóa, nghệ thuật để có thể chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn đầu tư rồi thu về mỗi năm một ít…
Trải nghiệm tô màu cho con rối cùng nghệ nhân làng Rạch (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Thực tế, những tiềm năng và cả những khó khăn vướng mắc trong phát triển CNVH đang được các địa phương nhận diện ngày càng rõ ràng hơn. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, trong những năm qua, Nam Định luôn quan tâm đến việc triển khai phát triển các ngành CNVH tại địa phương.
Trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã nhấn mạnh đến việc khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc của nghệ thuật truyền thống, góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách, đồng thời giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, bảo vệ, gìn giữ di sản truyền thống, từ đó hình thành tiềm năng phát triển bền vững đối với các loại hình nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, góp phần phát triển các ngành CNVH tại Nam Định. Việc sở hữu một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú là điều kiện thuận lợi để Nam Định phát triển các ngành CNVH, trong đó có du lịch văn hóa. Nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực cho sự phát triển các ngành CNVH, trong thời gian tới, tỉnh Nam Định sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó có tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển các ngành CNVH; đẩy mạnh nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về vai trò của nguồn lực cho phát triển các ngành CNVH; phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao; tăng cường nguồn lực tài chính; tăng cường sự liên kết, hợp tác, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương tạo ra các sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn…
Tại Hà Nội, Thành ủy ban hành Nghị quyết số 09 về phát triển CNVH Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết trên, trong đó xác định rõ đến năm 2025, ngành CNVH trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”; phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của Hà Nội. Thủ đô cũng đồng thời tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng gồm: Du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, thiết kế, ẩm thực, phần mềm và trò chơi giải trí...
Cùng với sự nhập cuộc ngày càng tích cực, CNVH đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2018, ước tính, các ngành CNVH đã đóng góp 6,02% GDP của đất nước. Do đại dịch COVID-19, số liệu có sự sụt giảm, đến năm 2021 còn 3,92%.
Tính chung giai đoạn 2018 – 2022, giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam đóng góp bình quân 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD); tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành CNVH ước đạt 7,2%/năm. Lực lượng lao động thuộc các ngành CNVH tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Nhìn chung, các ngành CNVH có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.