ĐBP - Mỗi dịp tết đến xuân về, vào ngày 30 tết, người Thái trắng ở Điện Biên lại thực hiện một nghi lễ không thể thiếu, đó là lễ gội đầu. Lễ gội đầu diễn ra vào ngày cuối cùng của năm cũ, với ý nghĩa rửa trôi, làm sạch những điều xui xẻo, đen đủi trong năm cũ, cầu mong những điều may mắn vào năm mới.
Nguồn gốc của lễ gội đầu bắt nguồn từ truyền thuyết về nữ tướng Nàng Han, người có công dẹp giặc phương Bắc. Sau khi đánh giặc trở về, đúng ngày 30 tết, người dân đã tắm rửa, gội đầu để chào đón nghĩa quân, ăn mừng chiến thắng. Kể từ đó để tưởng nhớ Nàng Han, cứ chiều 30 tết bà con dân tộc Thái trắng sẽ tổ chức lễ gội đầu.
Trước kia, để có thể làm lễ gội đầu thường cần thầy mo làm chủ lễ, thực hiện các nghi thức cúng thần sông, thần núi, các vị anh hùng của dân tộc… Ngày nay việc thực hiện nghi lễ thường được rút gọn, giản lược hơn và diễn ra trong các hộ gia đình. Về ý nghĩa nào đó tục gội đầu là một nghi thức tinh thần chào đón điều mới, tưởng nhớ cũng như cầu mong sự may mắn sẽ tới.
Để thực hiện nghi lễ gội đầu, các chị em sẽ tụ hội, đi ra dòng suối, dòng sông cạnh bản mường, người lớn tuổi sẽ đốt bồ kết, cho vào bát và hòa với nước. Vài thiếu nữ ngồi bên dòng suối xõa tóc, người lớn tuổi dùng nước đã trộn với than bồ kết xoa nhẹ tóc mỗi người, vừa xoa vừa thì thầm đọc những câu cầu chúc. Sau đó họ đồng loạt xuống suối, xõa tóc vào làn nước mát để rửa trôi đi bột than đã xoa vào tóc trước đó.
Quá trình làm sạch tóc biểu trưng cho rũ sạch những điều xui xẻo, vận đen của năm cũ bám dính vào người. Khi đã gội xong, những người phụ nữ sẽ dùng tay hất nước qua đầu, mọi người cùng nhau đùa nghịch với nước. Tiếng cười đùa cùng từng giọt nước được té qua đầu như cuốn trôi, xua đuổi những điều không may chào đón sự may mắn, hanh thông sẽ tới.
Tục gội đầu là một trong những nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng dân tộc Thái trắng, không chỉ có ý nghĩa tâm linh, cầu may mà đây còn là dịp hồi tưởng những giá trị truyền thống cũng như bày tỏ sự biết ơn đối với các vị thần, các vị anh hùng dân tộc.