ĐBP - Dân tộc Hoa (Xạ Phang) là 1 trong 19 dân tộc anh em đang cư trú tại tỉnh Điện Biên. Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, ngoài việc may áo mới, một trong những hoạt động phổ biến nhất có lẽ là chuẩn bị bánh tết.
Khác với nhiều dân tộc trong tỉnh, bánh tết có thể là bánh chưng vuông, bánh chưng gù… thì đối với đồng bào dân tộc Hoa, món bánh truyền thống không thể thiếu trong mâm cúng, đồ tiếp đón khách đến chơi là bánh hoa gạo. Theo tiếng Hoa là “Mi hóa”, trong đó hóa có nghĩa là hoa, mi có nghĩa là gạo. Đồng thời trong quá trình chế biến bánh hoa gạo, các bà, các mẹ thường tiện thể chế biến thêm kẹo kéo cho trẻ con. Đây là những món bánh truyền thống trong ngày tết của dân tộc Hoa.
Về cơ bản, bánh hoa gạo giống bánh bỏng, được các bà, các mẹ làm thủ công, cầu kỳ và nhiều công đoạn hơn. Để làm bánh hoa gạo, đầu tiên cần chế tạo mạch nha (nguyên liệu thay thế đường), thóc sẽ được ngâm nước, ủ cho nảy mầm. Khi mầm thóc đã dài khoảng 5cm sẽ được phơi khô, giã nhỏ thành bột. Tiếp đó ngô tẻ được trồng nơi núi cao sẽ được nghiền nhỏ, ninh nhừ trong khoảng hai tiếng rồi tắt bếp. Công đoạn tiếp theo là dùng bột mầm gạo đã chuẩn bị trước đó trộn cùng bột ngô đã ninh nhừ trong 8 tiếng đến khi nước trong là có thể lọc. Lượng nước thu được tiến hành đun sôi, cô đọng là thành mạch nha.
Sau khi đã có mạch nha, những người phụ nữ sẽ chuẩn bị các nguyên liệu trộn cùng mạch nha như: bỏng gạo, vừng, lạc… Trong đó chế biến bỏng gạo là công đoạn khó nhất, phải dùng gạo nếp được đồ thành xôi cho chín đều, hạt cơm nở bung, nguyên hạt, thơm phức được dàn đều phơi khô, vừa phơi họ vừa giã cho các hạt cơm nếp rời hẳn, không bị dính vào nhau, sau khi phơi đến một độ nhất định, hạt nếp được rang cùng cát cho đến khi nở bung thành bỏng và được sàng nhiều lần để tách cát ra khỏi hạt bỏng.
Tiếp đó là công đoạn hoàn thành bánh hoa gạo. Mạch nha được thắng đến khi đạt độ kết dính vừa đủ, sau đó các nguyên liệu sẽ được thả vào chảo đang xèo xèo bong bóng của mạch nha và được trộn đều. Công đoạn này cần hai người cùng phối hợp để đảm bảo độ quyện, độ đều của bánh rồi dàn đều ra mặt phẳng, ép thành phên. Đợi khi bánh chưa nguội hẳn sẽ được cắt thành từng miếng vừa ăn.
Đối với kẹo kéo, người Hoa chế tạo bằng chính mạch nha đã chế biến trước đó. Khi mạch nha chưa nguội hẳn, họ sẽ tiến hành cố định một đầu gỗ lên cột nhà, rồi kéo cho đến khi mạch nha chuyển từ màu nâu đậm sang màu vàng sữa, rải chút bột gạo cho đỡ dính, để ra khay rồi cắt là thành bánh ngày tết yêu thích của trẻ nhỏ người Hoa.
Những chiếc bánh hoa gạo được đặt trang trọng trong mâm cúng ngày tết, vị giòn tan béo ngậy của nếp, của vừng cùng sự ngọt thanh của mạch nha; cũng như càng nhai càng ngọt, càng dẻo của kẹo kéo làm nên một hương vị rất riêng và độc đáo.
Ngày tết dân tộc Hoa, sau mỗi miếng bánh hoa gạo là từng ngụm trà nhỏ, người lớn tỉ tê những câu chuyện trong họ trong bản, trẻ con cầm bánh hoa gạo, miệng nhai kẹo kéo nô đùa trước nhà ngoài ngõ là một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa dân tộc Hoa. Từng chiếc bánh, miếng kẹo như nhuộm màu ký ức thời gian, xuyên suốt qua từng thế hệ đồng bào dân tộc Hoa nơi rẻo cao.