ĐBP - Những ngày này, không gian văn hóa vùng cao bên hầm Đờ-cát rộn ràng tiếng trống chiêng cả ngày lẫn tối. Người dân và du khách đắm say trong điệu xòe, khám phá và trải nghiệm bản sắc riêng có, những nét đẹp truyền thống, độc đáo của các dân tộc tỉnh Điện Biên. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024.
Anh Bùi Quang Lợi, du khách tỉnh Thái Bình hăng say học gõ trống theo nhịp điệu xòe tại không gian văn hóa vùng cao huyện Mường Chà. Rồi cùng nắm tay mọi người xung quanh xòe đoàn kết. Đây là lần đầu tiên anh lên Điện Biên và tiếp xúc với văn hóa đồng bào vùng cao Tây Bắc.
Anh Lợi chia sẻ: “Văn hóa các dân tộc nơi đây thật độc đáo. Mỗi dân tộc có nét riêng, từ trang phục đã thấy thật đẹp rồi, còn nhạc cụ, điệu múa nữa cũng rất đặc sắc. Vì vậy mỗi không gian tại khu vực này đều rất cuốn hút, tôi vào tìm hiểu và trải nghiệm từng gian. Chuyến đi của đoàn chúng tôi ngắn, lịch trình không đến các huyện vùng cao, thật may mắn được lên với Điện Biên đúng dịp đặc biệt này để biết thêm về văn hóa nhiều dân tộc khác nhau”.
Không gian văn hóa huyện Mường Ảng cũng tưng bừng tiếng trống, chiêng, chũm chọe, dỗ ống tre. Mường Ảng mang đến ngày hội không gian văn hóa đặc trưng của dân tộc Khơ Mú. Bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện cho biết: “Người Khơ Mú là một trong 4 dân tộc chính của huyện Mường Ảng. Tại đây, chúng tôi dựng ngôi nhà sàn truyền thống với 1 cầu thang, 1 cửa chính, 2 bếp lửa, phía trước không có lan can, tái hiện toàn bộ không gian sinh hoạt của người Khơ Mú. Cùng với đó là nghề truyền thống dệt vải khác biệt với các dân tộc khác. Để thu hút du khách, huyện đưa các nghệ nhân, đội văn nghệ bản địa đến trình diễn dân ca, dân vũ, dân nhạc. Đặc biệt chúng tôi không phát nhạc có sẵn mà hoàn toàn là các nghệ nhân trực tiếp sử dụng nhạc cụ dân tộc tại chỗ”.
Với sự chỉn chu đó, người dân và du khách thập phương mải miết say trong những điệu múa, điệu xòe. Không gian văn hóa của huyện nào, dân tộc nào cũng có sức hút khó chối từ. Đây cũng là điểm chung của các đơn vị tham gia - tái hiện một cách thật nhất các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, thông qua mô hình nhà ở, trình diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công, giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc sắc...
Góp sức làm nên sức hút cho mỗi không gian là chính những người dân bản địa. Họ từ bản làng xa xôi về đây, vừa trình diễn, tái hiện cuộc sống thường ngày, vừa giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc mình tới khách phương xa. Ông Sùng A Páo, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa là một trong những nghệ nhân người Mông tham gia không gian văn hóa của huyện. Ông cho biết: “Tôi cùng một số nghệ nhân khác thổi khèn, múa khèn, lúc đơn, lúc đôi hoặc ba. Mỗi ngày trình diễn không nhớ bao nhiêu lượt. Dù cũng có lúc mệt nhưng thấy nhiều người đến tham quan không gian văn hóa của huyện, thích thú, tò mò về khèn, muốn nghe tiếng khèn thì chúng tôi rất vui, luôn sẵn sàng trình diễn”.
Được biết có 11 không gian văn hóa của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và Bảo tàng tỉnh. Mỗi đơn vị tập trung đưa đến ngày hội đặc trưng của 1 dân tộc tiêu biểu trên địa bàn. Như Tủa Chùa tạo không gian đậm chất đồng bào Mông, Tuần Giáo giới thiệu quảng bá văn hóa dân tộc Kháng, Mường Nhé nổi bật với không gian dân tộc Hà Nhì, Mường Lay thu hút du khách bởi văn hóa người Thái ngành Thái trắng...
Không gian văn hóa vùng cao diễn ra từ ngày 16 - 18/3, đã thực sự mang đến nhiều trải nghiệm phong phú, hấp dẫn, mang vẻ đẹp văn hóa đặc trưng, độc đáo Điện Biên tới gần hơn với du khách.