ĐBP - Với tập quán trồng lúa nước, đánh bắt cá nên khu vực sinh sống của dân tộc Lào thường quần tụ cạnh sông suối lớn. Chính vì vậy trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng dân tộc Lào nước có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Trong đó phản ánh rõ nét nhất ý nghĩa nguồn nước với dân tộc Lào là Tết “Bun huột nặm” (Tết té nước) thường được tổ chức vào giữa tháng 4.
Đến hẹn lại lên, vào dịp tháng 4 khi hoa ban dần lụi thay bằng những chồi non xanh biếc của cây, của lúa, tại các bản người Lào xã Na Sang huyện Điện Biên lại nhộn nhịp sắm sửa, chuẩn bị vui Tết té nước.
Tết té nước sẽ được thầy mo trong bản xem ngày tốt, giờ tốt để tổ chức (thường từ ngày 13 - 15/4). Tết té nước sẽ diễn ra hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ là hoạt động cúng bản, cúng tổ tiên và các vị thần với ý nghĩa kết thúc mùa khô và cầu mưa cho mùa màng tươi tốt, cùng với đó là gột rửa những vận hạn đen đủi, xui xẻo trong năm cũ, đón chờ và mong đợi những điều tốt đẹp trong năm mới, đồng thời tiến hành buộc chỉ cổ tay cầu may.
Kết thúc phần lễ diễn ra phần hội, mọi người cùng nhau rước lễ vật ra suối, sau khi thầy mo làm lễ báo cáo thần linh, tổ tiên sẽ bắt đầu vui hội té nước cầu may. Người Lào quan niệm Tết té nước càng được té nước nhiều sẽ càng may mắn, khỏe mạnh.
Có thể thấy, Tết té nước là kết tinh phản ánh đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Lào. Lễ hội cũng là dịp bồi đắp, xây dựng sự đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng.