ĐBP- Cứ độ đầu tháng 7 - 8 âm lịch sau những cơn mưa nặng hạt, tại các bãi đất trống, ruộng ngô của bà con vùng cao, người lớn, trẻ con tốp năm tốp ba xách xẻng, cầm rỏ tre lúi húi, dò tìm những ụ đất mới nổi để bắt dế.
Dế được bắt thường to bằng ngón tay đen trũi, to béo; với người lớn đây là một trong những đặc sản theo mùa, được chế biến thành những món ăn độc đáo không phải có tiền mà mua được. Với trẻ em, những chú dế lớn là những chiến binh thiện chiến để khoe, để chọi với các bạn cùng lứa tuổi.
Thông thường, một ngày bắt dế tại các khu đất trống, các bãi ngô, một người nếu may mắn có thể bắt được gần 2kg, đối với dế tự nhiên 1kg có thể được bán với giá hơn 200.000 đồng cho các tiểu thương, nhà hàng, quán ăn, đem lại nguồn thu không nhỏ trong những ngày mưa ít việc của bà con.
Cách chế biến dế cũng hết sức đơn giản, sau khi bắt dế sẽ dùng que nhọn loại bỏ ruột cũng như phần chân cứng của dế, rửa sạch, thêm gia vị như muối, mì chính rồi trộn đều và đem đi chiên. Trong quá trình chiên, khi dế vừa chín tới sẽ bỏ thêm vài lá chanh cho dậy mùi thơm là đã gần hoàn thành món dế. Công đoạn cuối cùng là đảo qua nước măng chua, đây là một trong những công đoạn tạo điểm riêng có, đặc biệt đối với món ăn dế vùng cao.
Khi thưởng thức dế chiên sẽ được kèm cùng nước chấm măng chua, vị béo ngậy, thơm hương ròn rụm hòa quyện cùng vị chua thanh của nước măng tạo nên sự độc đáo, ấn tượng khó quên đối với mỗi thực khách.
Trong tự nhiên dế mèn sinh trưởng, phát triển và sinh sản gần như quanh năm và mạnh nhất vào mùa mưa. Mùa săn dế người dân vùng cao thường kéo dài hai tháng, cho đến hết mùa mưa là sẽ kết thúc. Mặc dù thời gian ngắn nhưng khoản thu nhập khi bắt dế là không nhỏ, không chỉ vậy sau khi được chế biến sẽ là món đặc sản khó có thể bỏ qua trong mùa mưa khi nhắc tới ẩm thực dân dã vùng cao.