Bánh giầy - Nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mông ở Sìn Hồ

Chủ Nhật 23:05 10/11/2024

Bánh giầy của người Mông ở Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu không chỉ là món ăn truyền thống mà còn là biểu tượng trong văn hóa cộng đồng. Sâu xa hơn trong mỗi chiếc bánh còn chứa đựng những giá trị tinh thần nhân văn sâu sắc, gắn liền với lòng biết ơn tổ tiên, mong muốn gắn kết giữa con người với thiên nhiên, với trời đất.

Bánh giầy là một phần không thể thiếu trong các lễ hội, sự kiện quan trọng của người Mông ở Sìn Hồ. Theo quan niệm của người Mông, bánh giầy biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng, bởi mỗi chiếc bánh được nghiền nát từ hàng ngàn hạt gạo nếp, kết hợp với nhau càng giã càng kết dính... Đó cũng là lễ vật để người Mông thờ cúng tổ tiên trong các ngày lễ, dâng lên các đấng siêu nhiên cầu an. 

Người dân xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ phối hợp nhuần nhuyễn trong phần thi giã bánh giầy tại Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc.

Gạo nếp là thành phần chính của bánh, thường là nếp nương thơm ngon được trồng trên những thửa ruộng bậc thang quanh năm mây phủ. Người dân thường chọn gạo thật kỹ, sau đó ngâm qua đêm để hạt gạo mềm hơn. Gạo sau ngâm được hấp chín trong những chiếc chõ gỗ lớn, hơi nước từ nồi bên dưới bốc lên làm chín gạo, đưa hương thơm lan toả cả gian bếp nhỏ.

Quá trình làm bánh thể hiện sự gắn kết phối hợp của nhiều người trong từng công đoạn, diễn ra trong bầu không khí sôi động, vui vẻ. Người dân trong bản tập trung lại, mỗi người đều có một vai trò nhất định trong quá trình làm bánh: người giã, người đảo bánh, người nặn bánh. Giã bánh không chỉ là dịp để các thành viên trong bản giao lưu, gắn kết mà còn là cơ hội cho lớp trẻ học hỏi và lưu giữ những nét đẹp trong văn hoá cộng đồng.

Anh Chang A Sinh - người dân đến từ xã Hồng Thu, chia sẻ: “Việc giã bánh giầy không chỉ đòi hỏi sức mạnh mà còn là lòng kiên nhẫn và tinh thần kết nối. Người tham gia như cảm nhận được sức mạnh từ bàn tay của mình, kiên nhẫn để kết nối từng hạt gạo thành một thể thống nhất đảm bảo bánh phải được giã nhuyễn, dẻo.”

Khâu nặn bánh phải được thực hiện khi gạo được giã nhuyễn và còn nóng.

Bánh giầy thường xuất hiện trong các dịp lễ hội như tết, cưới hỏi, hoặc các sự kiện cộng đồng quan trọng. Tại Sìn Hồ “Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc hằng năm” là dịp để người dân tự hào giới thiệu văn hóa ẩm thực truyền thống qua từng chiếc bánh giầy. Trong phần thi làm bánh giầy, không chỉ người Mông mà cả người Dao, Thái... cũng tham gia, cùng nhau hòa nhịp trong không khí vui tươi, sôi động. Đối với người dân vùng cao Sìn Hồ nói chung bánh giầy không chỉ là một món ăn, mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết giữa các dân tộc anh em, cùng nhau xây dựng, bảo vệ bản làng.

Ông Giàng A Tùng - Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn cho biết: “Văn hóa ẩm thực của người Mông, đặc biệt là món bánh giầy, không chỉ là món ăn truyền thống mà còn là biểu tượng thiêng liêng của cộng đồng. Mỗi chiếc bánh giầy của người Mông được chuẩn bị tỉ mỉ là cách để đồng bào dân tộc Mông giới thiệu văn hóa, ẩm thực đến du khách. Việc duy trì ẩm thực truyền thống giúp lưu giữ bản sắc dân tộc mà còn góp phần cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng, mang lại nguồn thu nhập cho bà con”.

Dù là món ăn truyền thống nhưng bánh giầy của người Mông tại Sìn Hồ đã có nhiều thay đổi để phù hợp hơn với khẩu vị của các du khách. Bà con thường thêm vào bánh các loại nhân như đậu, lạc, vừng ... để tăng hương vị, đáp ứng nhu cầu của du khách gần xa. Hiện nay, bánh giầy ở vùng cao Sìn Hồ đã trở thành một món quà quý, là lời chào thân thương và là cách để dân bản địa giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc đến với du khách khi ghé thăm vùng cao Sìn Hồ.

Những chiếc bánh giầy trắng muốt, mềm, dẻo thơm... không chỉ làm hài lòng vị giác người dùng mà còn đánh thức niềm tự hào về bản sắc dân tộc. Giữa không gian của núi rừng hoang sơ, bánh giầy không chỉ là món ăn mà còn là cầu nối văn hóa, kết nối quá khứ với hiện tại, gắn bó cộng đồng và giúp du khách thêm yêu mến vùng cao nguyên hùng vĩ.