ĐBP - Toàn tỉnh hiện có hơn 216.000 trẻ em (dưới 16 tuổi), trong đó hơn 6.300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, thời gian qua, các cấp, ngành đã chú trọng tổ chức đa dạng các mô hình, hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Từ đó, góp phần giúp trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và sống trong môi trường lành mạnh.
Bé Sùng A Đông, thôn Cáng Chua 2, xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa) được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Tủa Chùa nhận đỡ đầu từ lúc 3 tháng tuổi. Khi ấy, bố của bé Đông đột ngột qua đời do tai nạn. Một mình mẹ Đông không đủ sức nuôi 3 con thơ dại, phải nương tựa vào ông bà ngoại đã già yếu. Trước hoàn cảnh đặc biệt này, Hội LHPN huyện Tủa Chùa đã kêu gọi giúp đỡ và đứng ra nhận làm mẹ đỡ đầu để hỗ trợ 3 anh em Đông. Nguồn kinh phí hạn hẹp, Hội LHPN huyện đã kết nối lòng hảo tâm và vận động sự ủng hộ của hội viên để mua đồ dùng cần thiết cho các cháu. Ngoài mua quần áo, giầy dép, đồ dùng sinh hoạt, Hội duy trì hỗ trợ mua gạo cho các cháu 1 triệu đồng/năm. Sự hỗ trợ kịp thời về vật chất và tinh thần, đã giúp gia đình vượt qua thời điểm khó khăn, có thêm điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu.
Bà Vì Thị Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tủa Chùa cho biết: Số tiền hỗ trợ tuy không nhiều, nhưng phần nào động viên, giúp các cháu vượt qua thời điểm khó khăn nhất, dần ổn định cuộc sống. Hội cũng cử cán bộ thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, nắm tâm tư nguyện vọng để hỗ trợ kịp thời cho các cháu.
Cùng với Hội LHPN các cấp, chương trình “Mẹ đỡ đầu” còn nhận được sự phối hợp tích cực từ các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang. Tháng 3 vừa qua, Đồn Biên phòng Na Cô Sa phối hợp với Hội LHPN huyện Nậm Pồ tổ chức tặng quà cho các cháu học sinh được hỗ trợ theo mô hình “Mẹ đỡ đầu”.
Cầm suất quà gồm sách, vở, đồ dùng học tập, em Giàng Thị Bâu, dân tộc Mông, bản Na Cô Sa 1 (xã Na Cô Sa) rất vui. Gia đình thuộc hộ nghèo, 10 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn khiến kinh tế gia đình đã nghèo khó ngày càng kiệt quệ. Vì thế mà Bâu cùng các anh, chị, em chưa từng có đồ dùng học tập mới đi học. Nhận được những món quà thiết thực giúp Bâu có thêm động lực để cố gắng học tập, trưởng thành. Cùng với Bâu, 15 trẻ là con của các hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, đang sinh sống, học tập trên địa bàn xã biên giới Na Cô Sa cũng nhận được hỗ trợ từ chương trình.
Bà Trần Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nậm Pồ cho biết: Thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, hàng tháng, 16 hộ gia đình hội viên sẽ được nhận hỗ trợ 500 nghìn đồng/hộ, kinh phí hỗ trợ từ tấm lòng hảo tâm của các cá nhân đến từ Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định. Từ nguồn kinh phí trên, hội viên phụ nữ xã Na Cô Sa và đảng viên đồn Biên phòng Na Cô Sa được giao phụ trách sẽ mua, trao tặng nông cụ, cây, con giống, hướng dẫn và cùng các hộ gia đình trồng, chăm sóc để tạo nguồn thu nhập. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, giúp đỡ, hướng dẫn các em học sinh của gia đình hội viên trong học tập và cuộc sống.
Nhằm trang bị cho học sinh dân tộc thiểu số nhiều kiến thức, kỹ năng hữu ích thúc đẩy các em nói lên tiếng nói của mình, thay đổi cách nghĩ, cách học, cách làm và góp phần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở vùng cao; các cấp Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các trường học thành lập các câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Năm 2023, toàn tỉnh thành lập được 81 câu lạc bộ, trong đó cấp tỉnh 20 câu lạc bộ, cấp huyện 61 câu lạc bộ.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa), các em học sinh đều có những điểm chung như phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nơi sinh sống còn nhiều hủ tục, tồn tại suy nghĩ về bất bình đẳng giới. Căn cứ vào tình hình thực tế, tháng 11/2023, câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của trường đã được thành lập với 30 thành viên, là học sinh từ khối 6 đến khối 9; sinh hoạt 2 tuần/lần. Trước mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên của Ban chủ nhiệm đều hướng cho học sinh về chủ đề của từng buổi. Từ đó, các em tìm hiểu và triển khai mở rộng thông tin, nâng cao nhận thức xoay quanh các nội dung: Bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích; nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em; tìm hiểu về dậy thì sớm; hệ quả của nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết; kỹ năng ứng xử trên không gian mạng. Sau đó, chính các thành viên của câu lạc bộ sẽ là tuyên truyền viên, truyền tải kiến thức này tới những học sinh khác vào tiết chào cờ và sinh hoạt; trở thành những hạt nhân tích cực lan tỏa thông tin tới người thân, hàng xóm nơi cư trú.
Cùng với các chương trình, mô hình cụ thể, nhiều cách làm về chăm sóc, bảo vệ trẻ em được triển khai bằng công tác phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể. Nổi bật là sự phối kết hợp giữa Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh và Công an tỉnh trong việc triển khai truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em. Đồng thời, các đơn vị tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng phòng chống đuối nước, sơ cứu người đuối nước; phòng chống bạo lực học đường; chống xâm hại trẻ em; phòng chống ma túy học đường cho học sinh tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn toàn tỉnh. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể cũng lồng ghép các hoạt động truyền thông nâng cao ý thức cho các hội viên về việc xây dựng môi trường lành mạnh, tăng cường bảo vệ trẻ em, đặc biệt trong các kì nghỉ lễ, nghỉ hè.
Với mục tiêu huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng, các mô hình, hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em đã mang lại hiệu quả, góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường; giúp các em có điều kiện phát triển toàn diện hơn cả về thể chất lẫn tinh thần, trở thành những công dân có ích trong xã hội.