ĐBP - Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công an về phối hợp hành động phòng, chống tội phạm giai đoạn 2017 - 2021, Công an tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch liên ngành, tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt triển khai tới các cấp Hội và lực lượng công an toàn tỉnh.
Trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh và Công an tỉnh đã phối hợp tổ chức 4.010 buổi tuyên tuyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phòng, chống tội phạm, ma tuý, mua bán người, “tín dụng đen”... với hơn 114.159 lượt người tham gia. Thông qua mô hình nhóm zalo, cảnh sát khu vực kết nối với nông dân đăng tải 2.741 lượt thông tin, thông báo, tuyên truyền pháp luật và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người và bảo vệ môi trường, phòng chống ma túy, Luật Giao thông đường bộ và kỹ năng hòa giải cơ sở, kiến thức an ninh quốc phòng, công tác hội... cho trên 7.000 lượt cán bộ hội viên. Bên cạnh đó còn tham gia biên soạn 10 loại tài liệu có nội dung tuyên truyền phòng, chống tội phạm để cung cấp cho Hội Nông dân các cấp dùng làm tài liệu tuyên truyền phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phát 1.000 sổ tay “Pháp luật và đời sống”, tờ rơi tuyên truyền luật pháp; hàng trăm cuốn cẩm nang về công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc và sổ tay bản tin phòng, chống tội phạm... Duy trì, củng cố 173 tủ sách pháp luật ở 98/129 xã, phường, thị trấn đáp ứng một phần việc tìm hiểu pháp luật của nông dân. Công an và Hội Nông dân các cấp đã tổ chức cho hội viên nông dân ký cam kết không vi phạm pháp luật và không mắc các tệ nạn xã hội, lập hòm thư tố giác và phát phiếu tố giác tội phạm đến từng chi hội, tổ hội và gia đình hội viên, nông dân. Hội viên nông dân đã cung cấp cho cơ quan công an 1.827 tin liên quan đến ANTT; đã tham gia phối hợp giải quyết ổn định 762 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân. Các mô hình câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ở cơ sở với nhiều tên gọi khác nhau và nhiều nội dung hoạt động đã tạo thuận lợi cho hội viên, nông dân trong việc sinh hoạt, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tội phạm. Như các mô hình: dân vận khéo, bảo vệ môi trường nông thôn; tổ hoà giải; tổ tự quản; tổ phòng cháy chữa cháy; câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, liên gia tự quản về an toàn giao thông...
Lực lượng Công an tỉnh và Hội Nông dân tỉnh đã tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, nhất là cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, lực lượng Công an với cán bộ, hội viên, nông dân tham gia giữ gìn ANTT phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tội phạm và tệ nạn xã hội được kiềm chế, tai nạn giao thông giảm; nhiều mô hình phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được các ban ngành, đoàn thể tỉnh ghi nhận, biểu dương góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Phát huy những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện chương trình phối hợp với Công an tỉnh trong phòng chống tội phạm, thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm; tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, vận động từng hộ gia đình hội viên nông dân ký kết không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và trật tự an toàn giao thông; phát động sâu rộng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn với thực hiện các phong trào thi đua của hội. Đặc biệt, duy trì và nhân rộng những mô hình nông dân tham gia giữ gìn trật tự, bảo vệ an ninh quốc phòng tại khu vực nông thôn trên địa bàn huyện. Tăng cường hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, kiểm tra, giám sát, nắm chắc tình hình về an ninh trật tự ở từng địa bàn dân cư, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự.