ĐBP - Lại thêm một cái Tết Nguyên đán nữa đến với con dân đất Việt trong không khí lo lắng do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Năm Tân Sửu trôi qua trong phảng phất nỗi buồn, khi phần lớn các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, chính sách an sinh… đều ảnh hưởng, nhưng không vì thế mà chúng ta đáng quên. Bởi cũng từ đại dịch Covid-19, những thay đổi, những cuộc chuyển mình, nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân mỗi người, các tổ chức, đoàn thể... đã bắt đầu.
Khép lại một năm sóng gió, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã đến với mọi nhà. Đón tết này nhớ tết xưa, để chúng ta cùng so sánh, hoài niệm về một thời đã xa.
Tết xưa, do ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nên con trẻ thường rất mong ngóng đến tết để được bữa ăn ngon, được bố mẹ, anh chị may cho bộ quần áo mới, được nhận những đồng tiền mừng tuổi dù ít ỏi, mệnh giá rất nhỏ, nhưng ai nấy đều phấn khởi mong tết đến xuân về.
Ngày 30 tết nhà nào cũng rộn ràng, tất bật bếp núc, dọn dẹp, trang hoàng... Bánh chưng xanh, củ dưa hành, câu đối đỏ, cành đào rực rỡ... là những thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt. Đêm giao thừa, mặc dù chưa đến thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nhưng tiếng pháo đã nổ vang trời. Thời khắc ấy, dù mắt ríu lại nhưng chẳng ai muốn đi ngủ mà chỉ đợi giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới để được tận hưởng những không khí tinh khôi nhất, đón lấy nguồn năng lượng tích cực nhất, nhằm khởi đầu cho một năm mới với biết bao hi vọng, chờ mong...
Còn tết nay có phần đổi khác. Nhiều người không còn đặt nặng chuyện ăn uống trong ngày tết nữa. Cuộc sống hiện đại, giao thoa nên nhiều người, nhất là các gia đình trẻ, thế hệ trẻ thường có xu hướng “chơi tết” nhiều hơn. Cả năm bận bịu làm ăn, tất bật với công việc, nên dịp tết đến xuân về, nhiều người lựa chọn cho mình và gia đình chuyến du xuân nơi miền xa, để tận hưởng khoảng trời riêng tư bên nhau.
Xu hướng này đang được nhiều người ủng hộ. Minh chứng là trong những ngày tết, các khu du lịch nổi tiếng, bãi biển các tỉnh phía Nam - nơi có không khí ấm áp vẫn có nhiều gia đình đến tham quan, du lịch, nghỉ ngơi, tận hưởng không khi đón xuân nơi miền xa. Song đa phần người Việt vẫn chọn cách đón tết truyền thống. Họ muốn quây quần bên gia đình, bên mâm cơm đầm ấm; được gặp gỡ những người thân yêu và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới.
Qua đây cho thấy, tết không chỉ là dịp nghỉ ngơi mà còn là để anh em, người thân, bạn bè lâu ngày không gặp, nay có dịp gần gũi, hàn huyên tâm sự; để cho con cháu, bề dưới được tỏ lòng thành kính, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, bề trên, với người thân trong đại gia đình, dòng họ...
Xuân đến rồi xuân sẽ qua, là quy luật ngàn đời của tạo hóa. Bước sang năm mới Nhâm Dần - “Vạn sự khởi đầu nan”. Dù trước mắt còn gặp nhiều khó khăn trở ngại do tình hình dịch bệnh, nhưng chúng ta có quyền hi vọng, đón chờ sự khởi đầu mới, với tinh thần lạc quan và kiên cường. Nhất là về giá trị bền vững của văn hóa, tinh thần cố kết dân tộc; bản chất nhân văn, tốt đẹp “thương người như thể thương thân” của người Việt.
Hai năm qua, đại dịch Covid-19 khiến chúng ta phải thay đổi để “thích ứng an toàn, linh hoạt”. Chính nhờ sự thích ứng nhanh, hài hòa, phù hợp với từng giai đoạn, hoàn cảnh cụ thể, đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, kinh tế tiếp tục tăng trưởng dương; giúp chúng ta có thêm nguồn lực để quan tâm phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Thời điểm hiện tại chắc hẳn ai cũng cầu mong dịch bệnh Covid-19 sớm qua đi, để tết này được về quây quần bên gia đình, người thân, họ hàng... mà không phải băn khoăn, lo lắng gì cả. Tuy nhiên không phải cái gì cũng theo ý mình, nhất là khi đối mặt với “giặc vô hình” Covid-19. Do vậy, mỗi chúng ta không nên bất chấp nguy cơ của dịch bệnh, nếu có về quê đón tết thì cần tuân thủ các quy định của Đảng, Chính phủ, chính quyền địa phương... trong kiểm soát an toàn dịch Covid-19. Bảo vệ mình, người thân của mình là bảo vệ quê hương, xóm giềng, góp phần đưa đất nước sớm trở lại “trạng thái bình thường mới”, để năm sau chúng ta được đón tết trong không khí yên bình, hạnh phúc hơn.