ĐBP - Thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 10/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về bảo vệ và phát triển cây hoa ban, cây hoa anh đào trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 17); đến nay tại các địa phương thêm nhiều cây hoa ban được trồng trên các cung đường, tuyến phố, các điểm du lịch, nghỉ dưỡng, khuôn viên công sở, trường học... tạo sắc màu hoa ban lung linh, đặc trưng của miền đất hoa ban mời gọi du khách tới tham quan, thưởng lãm.
Để bảo vệ cây hoa ban tự nhiên, các sở, ngành tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh đã tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển cây hoa ban tự nhiên. Thống kê số lượng cây hoa ban gốc hiện có ở các vườn ươm cây giống trên địa bàn tỉnh và yêu cầu các đơn vị không được tiếp tục đào, đánh cây hoa ban gốc ở rừng tự nhiên; đồng thời, tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi khai thác cây ban gốc từ rừng tự nhiên. 6 huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Chà và Tuần Giáo đã tổ chức rà soát, xác định được trên 509,5ha rừng có cây hoa ban tập trung để tổ chức tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ.
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp trong triển khai lập, quản lý quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; đến nay 100% đô thị trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch chung xây dựng được phê duyệt; các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý các đô thị, thiết kế đô thị, dự án đầu tư xây dựng được lập, thẩm định đều có nội dung quy định cụ thể về tổ chức không gian cảnh quan về không gian xanh, về chủng loại cây trồng theo đặc trưng vùng miền, trong đó chú trọng việc trồng cây hoa ban trên các tuyến phố, các khu chức năng đô thị. Đến nay toàn tỉnh đã trồng mới được 50.383 cây hoa ban phân tán với tổng kinh phí đã bố trí và huy động từ nguồn xã hội hóa để thực hiện gần 19,6 tỷ đồng trên các tuyến phố, tuyến đường chính, tuyến đường nhánh, các điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng, khuôn viên công sở, trường học...
Ngoài ra, từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND, ngày 24/12/2018, huyện Điện Biên và huyện Tủa Chùa đã bố trí gần 1,2 tỷ đồng để thực hiện trồng mới tập trung 21,59ha cây hoa ban (tương ứng 6.002 cây). Đặc biệt là các địa phương đã tích cực thực hiện Dự án bảo vệ và phát triển cây hoa ban trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 894/QĐ-UBND, ngày 20/9/2019 của UBND tỉnh. Dự án này thực hiện trên địa bàn 7 huyện, gồm: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Chà, Mường Nhé và TP. Điện Biên Phủ với quy mô bảo vệ 1.500ha cây hoa ban tự nhiên và trồng tập trung 300ha cây hoa ban trong giai đoạn 2019 - 2025. Đến nay huyện Điện Biên đã trồng 354,5ha; huyện Mường Chà trồng 25ha; huyện Tủa Chùa 80ha, huyện Tuần Giáo 50ha; 2 huyện huyện Điện Biên Đông và Nậm Pồ đã rà soát được một số diện tích nhỏ có cây hoa ban tự nhiên nằm rải rác trên địa bàn các xã.
Thực tế cho thấy, việc rà soát, xác định, xây dựng các điểm có lợi thế phát triển du lịch để trồng cây hoa ban tập trung tạo thành điểm nhấn đặc sắc, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, ngắm cảnh; cải tạo, trồng thay thế các loài cây ít có giá trị kinh tế, cảnh quan bằng cây hoa ban tại các đồi di tích trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, thu hút, phát triển du lịch tại các khu di tích còn hạn chế. Các địa phương gặp khó khăn trong cân đối, bố trí kinh phí thực hiện dự án trồng hoa ban. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển cây hoa ban đã được ban hành song chưa đủ thu hút, khuyến khích người dân cũng như của các tổ chức kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia…
Chính vì vậy, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân về vai trò của cây hoa ban gắn với phát triển du lịch của tỉnh thì cần tăng cường quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây hoa ban sau khi trồng. Sau khi rà soát các vị trí, địa điểm có lợi thế phát triển du lịch để trồng cây hoa ban tập trung; các địa phương trong tỉnh cần giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể, chi tiết đến từng cấp xã, thôn, bản để triển khai thực hiện… Từ đó tiếp tục quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hoa ban tự nhiên hiện có và phát triển trồng mới hoa ban; thu hút nhiều hơn các tổ chức kinh tế - xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển loài cây đặc trưng của xứ sở hoa ban.