ĐBP - Người Việt có truyền thống yêu nước, thương nòi. “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”... Dù không anh em họ hàng ruột thịt, thân thích hay xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau, nhưng khi đâu đó có hoàn cảnh khó khăn, vất vả, tàn tật, đối tượng yếu thế... là động lòng trắc ẩn. Họ sẵn sàng nhường cơm xẻ áo, có ít ủng hộ ít, có nhiều ủng hộ nhiều nhằm giúp những số phận không may mắn có thêm động lực vươn lên làm nhiều việc tốt, có ý nghĩa, sống có ích cho xã hội.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 6.000 người khuyết tật, trong đó 2.647 người khuyết tật nặng, 865 người khuyết tật đặc biệt nặng; trên 5.600 trẻ mồ côi, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, mù 2 mắt... Những đối tượng này đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Càng gian nan, vất vả hơn khi trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, nhiều lao động là người khuyết tật, trẻ mồ côi mất việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày.
Do hậu quả, tàn dư nặng nề của chiến tranh, của chất độc hóa học da cam đioxin. Mặt khác, là tỉnh nghèo, nhiều gia đình chưa quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức pháp luật cho các thành viên nên không ít gia đình có người lớn, bố mẹ vướng vào lao lý, tệ nạn xã hội, mua bán các chất ma tuý; nhiễm HIV, cha mẹ ly hôn... đã đẩy hàng nghìn trẻ em vào hoàn cảnh có vấn đề xã hội. Đây là vấn đề nhức nhối, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội chăm lo để giảm dần tỷ lệ trẻ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Thời gian qua, rất nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh đã được gia đình, xã hội quan tâm giúp đỡ cả vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, do số lượng người cần giúp đỡ nhiều mà nguồn lực của nhà nước, các tổ chức đoàn thể, mạnh thường quân và nhân dân hạn chế, nên còn rất nhiều đối tượng đang gặp khó khăn chưa được giúp đỡ.
Thông tin có được, trong năm 2021, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh nhận được số tiền trên 310 triệu đồng của hơn 90 tập thể, cá nhân. Căn cứ tình hình thực tế, Hội đã ủng hộ, giúp đỡ các đối tượng làm nhà, tặng học bổng, xe lăn, hỗ trợ sinh kế các loại... Như lãnh đạo Hội trao đổi thì so với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội khác, hiện còn quá ít người dân, doanh nghiệp, mạnh thường quân... biết đến tổ chức Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh. Đây là nguyên nhân dẫn đến số lượng tiền mặt cũng như vật phẩm, nhu yếu phẩm đơn vị nhận được hàng năm rất ít. Đồng nghĩa với việc có rất ít người khuyết tật, trẻ mồ côi được hỗ trợ, giúp đỡ, vươn lên trong cuộc sống.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh làm tốt công tác truyền thông để nhiều người dân, doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội trong và ngoài tỉnh biết đến Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh; chức năng, nhiệm vụ của Hội; số lượng người khuyết tật, trẻ mồ côi… của tỉnh hiện có để mỗi lần phát động kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ, các “lá lành” có kế hoạch, cách thức chia sẻ, giúp đỡ được nhiều hơn, đảm bảo đến đúng đối tượng một cách nhanh, chính xác nhất. Các thành viên Ban Chấp hành Hội cần nỗ lực hơn nữa, sâu sát hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động đóng góp Quỹ hội. Với uy tín, trách nhiệm và tầm ảnh hưởng của mình, mỗi thành viên Ban Chấp hành Hội chủ động kêu gọi, kết nối bạn bè, người thân, nhất là các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia đóng góp vật chất, tinh thần cho Quỹ hội. Cùng với đó, Hội mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Bằng tình thương và trách nhiệm, tinh thần nhân đạo cao cả “thương người như thể thương thân”, “máu chảy ruột mềm”… hãy tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, nhân dân các dân tộc chung tay góp sức ủng hộ giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh thông qua Quỹ của Hội.
Mỗi món quà dù ít, dù nhiều thể hiện truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam “lá lành đùm lá rách”. Đấy là cách làm tốt nhất, hiệu quả nhất nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau tinh thần, thân thể và giảm bớt những khó khăn đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi, giúp họ cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng và xã hội.