ĐBP - Mùa gặt, Đại thủy nông Nậm Rốm rút nước để nông dân vùng lòng chảo thu hoạch lúa. Nước cạn, dưới lòng kênh hiện ra rất nhiều loại rác thải sinh hoạt.
Trước đây, đã có một thời gian kênh thủy nông Nậm Rốm thảm hại vì tình trạng xả rác vô tội vạ của dân cư sinh sống dọc hai bờ kênh. Đủ loại cỏ, cành cây, túi nilon, vỏ chai nhựa, thậm chí cả chiếu, đệm cũ và xác động vật... lập lờ mặt nước. Vấn nạn này có nguyên nhân từ sự quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi còn lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan. Và cơ bản nhất, là thói quen, tập quán sinh hoạt, sản xuất tự do, tự phát, thiếu tổ chức; thiếu ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Sau đó, nhờ công tác quản lý, tuyên truyền tốt hơn, tình trạng vứt rác xuống kênh giảm dần. Dòng nước trong xanh, êm đềm hơn. Nhưng việc vứt rác xuống kênh Nậm Rốm chưa chấm dứt. Có chăng là ít trường hợp vứt công khai mà thôi. Vẫn còn tình trạng vứt rác trộm, vào các thời điểm ít người qua lại như: Sáng sớm, giữa trưa hoặc khi trời tối. Khi dòng kênh đầy nước, lưu lượng nước lớn, dòng chảy mạnh nên rác chìm một phần hoặc bị cuốn đi rất nhanh nên trực quan có vẻ sạch sẽ. Nhưng khi nước cạn sẽ lộ ra rất nhiều loại rác dưới đáy kênh.
Khu dân cư tôi ở cũng nằm cạnh kênh Nậm Rốm. Trong một buổi sinh hoạt cộng đồng, tôi đã đề cập vấn đề này với anh đội trưởng. Anh đội trưởng cho biết trong nhiều cuộc họp dân đã tuyên truyền việc thu gom rác thải vào một điểm, đặc biệt không nên vứt rác xuống kênh mương thủy lợi. Nhưng bà con vẫn có thói quen, có người thì nói “tiện tay”, có người thì cho rằng “vứt xuống thì nước cuốn trôi đi mà!”.
Cũng bởi thói quen tùy tiện, thiếu ý thức của một bộ phận dân cư sinh sống bên kênh mà dẫn đến tình trạng vứt rác xuống kênh thủy lợi. Hệ lụy là dòng chảy bị ảnh hưởng, ô nhiễm nguồn nước sản xuất, đặc biệt là khu vực cuối kênh phải hứng chịu ô nhiễm môi trường do rác ùn ứ.
Để khắc phục xả rác thải sinh hoạt và sản xuất ra kênh, mương cần có sự cộng đồng trách nhiệm từ cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và người dân. Một mặt tăng cường công tác quản lý, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục để người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường nói chung, công trình thủy lợi nói riêng.
Tại Điều 8, Luật Thủy lợi đã quy định rõ: “Nghiêm cấm đổ chất thải, rác thải trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; xả nước thải trái quy định của pháp luật vào công trình thủy lợi; các hành vi khác làm ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi”. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, trong đó quy định hành vi “đổ rác thải, chất thải; xả nước thải vào công trình thủy lợi” sẽ bị xử phạt. Trong Nghị định cũng quy định quyền xử phạt của từng cấp, trong đó thấp nhất là Chủ tịch UBND cấp xã có quyền xử phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền mức 5 triệu đồng.
Luật định, chế tài xử lý đã có. Vấn đề là việc thực thi như thế nào? Công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng; vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Công tác tuyên truyền về ô nhiễm môi trường nông thôn, ô nhiễm nguồn nước hiệu quả chưa? Cơ chế bảo vệ người tố cáo các hành vi gây ô nhiễm, khen thưởng người có thành tích giữ gìn đã kịp thời?