ĐBP - Tròn 5 năm, chúng tôi trở lại bản Nậm Cứm, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng). Những hình ảnh hiện tại của Nậm Cứm không khác mấy so với 5 năm về trước, ngoài tuyến đường nội bản được bê tông hóa và hơn chục ngôi nhà mới được hỗ trợ bởi chương trình “Mái ấm nghĩa tình”. Trong bản, vẫn còn nhiều căn nhà gỗ lợp proxi măng đã ngả màu đen nằm trên sườn đồi. Từng tốp từ 3 - 5 đứa trẻ khoảng 2 - 4 tuổi, đầu trần, chân đất, tóc vàng hoe; đứa chỉ mặc mỗi áo, đứa mặc mỗi quần đang túm tụm nô đùa, mặt mũi lem luốc.
Bản Nậm Cứm có điểm đặc biệt là 100% người dân là dân tộc Mông nhưng tên bản lại lấy theo tên gọi của người Thái. Theo tiếng Thái “Nậm” dịch ra tiếng phổ thông nghĩa là nước, “Cứm” nghĩa là lạnh, “Nậm Cứm” nghĩa là nước lạnh - nơi có độ cao gần với nguồn nước từ trong khe núi chảy ra nên lạnh quanh năm. Cũng chính vì vậy mà vào mùa đông hầu như bản Nậm Cứm lúc nào cũng chìm trong sương mù. Được thành lập từ năm 1997, với 12 hộ ban đầu đến nay đã tăng lên 64 hộ, nhưng Nậm Cứm vẫn là một bản “nghèo toàn tập”; bản có 59 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, 1 hộ mới chuyển đến chưa qua rà soát.
Nậm Cứm có một cái “nhất”, đó là bản sinh nhiều con nhất. Hộ ít cũng 3 con, hộ nhiều sinh 8 - 10 con; hộ 1 con là những trường hợp mới lập gia đình được 1 - 2 năm. Gia đình đông con nhất là gia đình ông Mùa Dúa Lầu, với 8 người con, con nhỏ nhất Mùa Thị Dợ đang học lớp 4 Trường Tiểu học Ngối Cáy. Hay gia đình anh Vàng A Sùng và chị Mùa Thị Hợ, cả hai vợ chồng đều sinh năm 1982, nhưng đến nay đã có 7 người con; con gái lớn sinh năm 2001, đã lấy chồng, con út đang học lớp 1. Gia đình anh Vàng A Só sinh năm 1984, là y tá bản và là cộng tác viên dân số nhưng cũng có 6 người con, con nhỏ nhất 4 tuổi đang học mầm non. Khi được hỏi tại sao làm cộng tác viên dân số đi tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình đến người dân mà vẫn sinh nhiều con? Anh Só cho biết: “Vẫn biết sinh con thứ 3 trở lên là vi phạm chính sách dân số, nhưng cái tục của người Mông mình cần có con trai để có người làm và về già thì có thể trông nhờ vào con trai. Chính vì vậy không chỉ riêng mình mà trong bản nhà nào chưa có con trai thì cố sinh cho được nên nhiều gia đình mới đông con như vậy!”
Anh Mùa A Lầu, người đã có 11 năm làm trưởng bản Nậm Cứm chia sẻ: 100% người dân ở đây sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Nhiều năm qua người dân chủ yếu làm lúa nương, trồng ngô, sắn và đậu tương. Nhưng do tập tục canh tác lạc hậu, chỉ trồng mà chưa chú trọng khâu chăm sóc dẫn đến năng suất chưa cao. Toàn bản hiện có trên 50ha lúa nương, 10ha ngô, sắn; năng suất rất thấp (trung bình lúa nương 13 tạ/ha, ngô đạt 30 - 35 tạ/ha) sản lượng lương thực bình quân gần 300kg/người/năm. Hàng năm người dân vẫn có nhiều tháng thiếu đói. Đầu năm 2018, chính quyền xã đã triển khai trồng thí điểm 3,3ha cây xoài Đài Loan trên địa bàn nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế vì người dân chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, chưa chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc; mặt khác, vì bản có mùa đông khắc nghiệt kéo dài không phù hợp để cây xoài phát triển.
Nói về Nậm Cứm, Bí thư Đảng ủy xã Ngối Cáy Quàng Văn Thân cho biết: Nếu như Ngối Cáy là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Ẳng với tỷ lệ hộ nghèo còn 45,61% thì Nậm Cứm là 1 trong 2 bản khó khăn nhất của xã. Tảo hôn, sinh con nhiều vẫn đang là vấn đề làm đau đầu cấp ủy, chính quyền xã. Đặc biệt tỷ lệ tảo hôn có xu hướng gia tăng. Theo thống kê từ năm 2018 đến nay trên địa bàn xã có 31 trường hợp tảo hôn, đa phần tập trung tại bản Nậm Cứm. Năm 2020 có 8 trường hợp tảo hôn thì Nậm Cứm chiếm 7 trường hợp; 6 tháng đầu năm 2023 toàn xã có 3 trường hợp tảo hôn đều ở bản Nậm Cứm. Những năm qua xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; vận động bà con cải tạo diện tích đất nương hiện có thành đất nương có bờ để thuận tiện cho việc canh tác; vận động người dân đi lao động tại các công ty có ký kết hợp đồng lao động với tỉnh, huyện... Tuy nhiên việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi còn chậm. Trong khi bản chưa có điện lưới quốc gia nên việc tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật mới của người dân còn hạn chế. Ngoài ra, đại bộ phận người dân nơi đây vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào chế độ chính sách của Nhà nước, vẫn vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình... Đây là một trong những nguyên nhân chính gây đói nghèo.
Tảo hôn và đông con là một trong những nguyên nhân làm cho cuộc sống người dân Nậm Cứm cứ quanh quẩn trong nghèo đói và lạc hậu. Những người phụ nữ ở Nậm Cứm thông thường lấy chồng từ năm 17 tuổi; sau đó chưa đầy 2 năm lại sinh 1 đứa con. Nhiều trường hợp đẻ từ 5 đến 8 con thì gần như chỉ dành thời gian để... đẻ và nuôi con, đứa trước chưa đủ lớn đã phải ẵm đứa sau! Con đông, lao động ít, thu nhập chỉ trông chờ vào mấy củ khoai, hạt thóc nên đói nghèo đeo đẳng thế hệ này qua thế hệ khác.
Chúng tôi rời Nậm Cứm trong cơn mưa chiều xối xả, từng tia chớp lóe lên như muốn xé toang bầu trời, lòng lại nặng trĩu nỗi ưu tư. Nghĩ về những thân phận phụ nữ ở Nậm Cứm không biết đến bao giờ họ mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn tảo hôn - đông con - đói nghèo!