ĐBP - Ðiện Biên là địa bàn vùng cao, địa hình có độ dốc lớn với nhiều sông suối. Trong khi đó, khu vực tập trung dân cư là các thung lũng, điển hình là lòng chảo Mường Thanh với mật độ dân số cao nhất tỉnh. Ðây cũng là địa bàn có số dân sử dụng nước sinh hoạt dịch vụ chiếm đa số. Vì vậy, vấn đề an ninh nguồn nước, chất lượng nước sinh hoạt cần có tầm nhìn dài hạn và hành động sớm, ngay từ hôm nay.
Nước đảm bảo an toàn để sử dụng
Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Hằng, tổ 7, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) bồn chồn không yên bởi thông tin “20 người tại bản Co Pục, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) có dấu hiệu bị ngộ độc khi sử dụng nước có nhiễm thuốc diệt cỏ, phải đi cấp cứu”. Theo chị Hằng, bản Co Pục là khu vực đầu nguồn nước dẫn về Nhà máy nước Ðiện Biên - nơi cung cấp nước sinh hoạt cho gia đình chị. Ðã thế, cậu con trai hơn 1 tuổi của chị vừa rồi bỗng nổi mẩn đỏ, mụn nước khắp người. “Ban đầu đi khám thì xác định bé nhà tôi bị dị ứng thời tiết, nhưng khi nghe thông tin về vụ ngộ độc, tôi cứ bị ám ảnh, hoài nghi rằng do nước sinh hoạt “có vấn đề”, da trẻ nhạy cảm nên mới nổi mẩn, mụn nước như thế!” - chị Nguyễn Thị Hằng chia sẻ. Không chỉ riêng chị Hằng, nhiều hộ dân trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ cũng hoang mang, bàn tán “liệu nước máy có nhiễm thuốc diệt cỏ không?!”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Quang Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên cho biết: Thứ nhất, vị trí xảy ra vụ việc nghi phun thuốc diệt cỏ gây ô nhiễm nguồn nước thuộc vùng thấp hơn và cách xa vị trí đập đầu mối của hồ chứa nước Nậm Khẩu Hu - đầu nguồn đặt đường ống dẫn nước về Nhà máy. Vì vậy, việc nước sinh hoạt Nhà máy Nước Ðiện Biên cung cấp cho khách hàng bị nhiễm thuốc diệt cỏ từ vụ việc trên là không thể xảy ra. Thứ hai, trong số gần 50.000 hộ khách hàng sử dụng nước từ Nhà máy trên toàn tỉnh, có đến hơn 30.000 hộ khách hàng (khoảng 100.000 người) thuộc khu vực lòng chảo (TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên) đang sử dụng nguồn nước thô lấy từ hồ Nậm Khẩu Hu. Vấn đề an ninh, an toàn nguồn nước tại Nậm Khẩu Hu nói riêng, toàn tỉnh nói chung luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Và đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của Công ty, mà từ trước, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn với các thành viên như: Sở Xây dựng, Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên, Công ty TNHH Quản lý thủy nông Ðiện Biên... Cụ thể, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch cấp nước an toàn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, xác định đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt theo quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế; xác định các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa, khắc phục rủi ro; xây dựng các tiêu chí, chỉ số giám sát để đánh giá việc triển khai cấp nước an toàn...
Thực tế triển khai, theo ông Phạm Quang Tuấn, hiện Nhà máy Nước Ðiện Biên đã cơ bản được đầu tư các trang thiết bị, máy móc hiện đại trong sản xuất nước sạch, kết quả giám sát chất lượng nước được báo tự động online (hiển thị ra màn hình lớn, có người theo dõi, giám sát 24/24 giờ). Công tác nội kiểm, kiểm soát chất lượng từ hóa nghiệm được triển khai thường xuyên, liên tục. Ngoài ra, công tác ngoại kiểm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động triển khai vào bất cứ ngày, giờ nào. “Nước sinh hoạt hiện nay đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Nhân dân hoàn toàn có thể an tâm sử dụng bình thường nước cung cấp từ Nhà máy” - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên Phạm Quang Tuấn khẳng định.
Cần hành động sớm
Ðồng tình với các nội dung thông tin lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Ðiện Biên cung cấp, ông Vũ Xuân Viễn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý thủy nông Ðiện Biên cho biết: Ðơn vị được giao quản lý, bảo vệ, điều tiết hồ chứa nước Nậm Khẩu Hu. Phương án đảm bảo an ninh, an toàn hồ chứa nước Nậm Khẩu Hu đã được Công ty ban hành, triển khai thực hiện với nhiều nội dung cụ thể. Trong đó Ban Chỉ đạo công trình bảo vệ an toàn mục tiêu có nhiệm vụ bảo vệ, xử lý tình huống phát hiện đối tượng, vật thể mang chất độc phá hoại công trình, đầu độc nguồn nước. Hiện Tổ Ðiều tiết nước của Công ty trực tại khu vực lòng hồ chứa nước Nậm Khẩu Hu có 5 người, chia làm 2 kíp trực 24/24 giờ.
Về công tác xử lý, năm 2022, Tổ Ðiều tiết nước đã phát hiện người dân phun thuốc trừ sâu tại vị trí nương có nguy cơ xả độc vào hồ Nậm Khẩu Hu, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn, tuyên truyền, cảnh báo. Ðồng thời, đơn vị cũng quán triệt nghiêm việc không tận dụng mặt nước lòng hồ để thực hiện các mục đích khác như: Không nuôi trồng thủy sản, không cho phép câu cá (ổ mồi câu cũng có nguy cơ chứa hóa chất).
Mặc dù công tác đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước tại khu vực đầu nguồn hồ Nậm Khẩu Hu hiện nay cơ bản được các đơn vị phối hợp quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Viễn, hiện nay có những khó khăn, thách thức và cả nguy cơ về lâu dài trong đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho vùng lòng chảo. Cụ thể, theo ông Viễn: Hồ Nậm Khẩu Hu có lưu vực 61km2 với dung tích hữu ích 7,5 triệu mét khối nước, nằm trên địa bàn 4 xã: Hua Thanh, Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên), Thanh Minh, Nà Nhạn (TP. Ðiện Biên Phủ). Xung quanh hồ, người dân vẫn canh tác, sinh sống. Vấn đề đặt ra là khi người dân canh tác, gieo trồng, sinh hoạt không thể tránh khỏi việc phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, xả rác và nước thải sinh hoạt... trên diện tích của họ. Và với địa hình đất dốc, mưa nhiều, tồn dư chất hóa học, rác thải trôi xuống lòng hồ là điều khó tránh khỏi. Việc cấm người dân sử dụng các giải pháp đảm bảo cây trồng, duy trì sinh kế trên đất của họ là điều không dễ. Hiện nay, với diện tích, thể tích lớn, nước trong hồ Nậm Khẩu Hu chưa bị ảnh hưởng, nhưng về lâu dài, khi lượng chất hóa học, chất gây ô nhiễm tích tụ... thì không thể chủ quan được.
Công tác phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, cảnh báo cũng gặp rất nhiều khó khăn do lưu vực hồ rộng, nhân dân vẫn có tập quán xen canh, xâm canh (người xã này nhưng canh tác ở xã khác) nên nhiều lúc không xác định được họ ở địa bàn nào mà đến tuyên truyền. Vì vậy, các đơn vị điều tiết, khai thác nguồn nước hồ Nậm Khẩu Hu kiến nghị: Chính quyền (từ tỉnh đến cấp huyện, xã, thôn, bản) cần khẩn trương xây dựng và triển khai các giải pháp để người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước; chuyển đổi canh tác từ trồng cây lương thực sang trồng rừng tại các khu vực tiếp giáp với hồ Nậm Khẩu Hu - đây là giải pháp mang lại “lợi ích kép” khi vừa sinh thủy, vừa bảo vệ được chất lượng nước. Vì sự phát triển bền vững của tỉnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho các thế hệ tương lai, ngay từ bây giờ, chúng ta cần có tầm nhìn và hành động.