Hội thảo “Giải pháp tăng cường tiếp cận dịch vụ công trực tuyến tại tỉnh Điện Biên, Bình Phước và Ninh Thuận”

Thứ Tư 18:59 18/10/2023

ĐBP - Chiều nay (18/10), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với UBND các tỉnh: Điện Biên, Bình Phước và Ninh Thuận tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường tiếp cận dịch vụ công trực tuyến”. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm điều hành Học viện và trực tuyến tới các điểm cầu tại 3 tỉnh. Tham dự hội thảo có đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông; đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh: Điện Biên, Bình Phước và Ninh Thuận cùng các nhà khoa học, giảng viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Điện Biên.

Hiện nay, 63 tỉnh, thành phố cả nước đã sử dụng các chỉ số Papi trong đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của địa phương. Trong các năm 2021 - 2022, các báo cáo Papi cho thấy, điểm số của quốc gia trong thực hiện chuyển đổi số rất thấp. Trong đó Điện Biên chỉ đạt 2,01 (năm 2021), 2,45 (năm 2022); Bình Phước 3,27 (năm 2021), 3,4 (năm 2022); Ninh Thuận 2,65 (năm 2021), 3,53 (năm 2022). Nguyên nhân do những khó khăn, như: Hạ tầng viễn thông, điện lưới của Bình Phước và Ninh Thuận đã phủ sóng gần như toàn bộ, riêng tỉnh Điện Biên còn 26 thôn, bản chưa có lưới điện, 5 điểm lõm sóng, chưa có đường giao thông. Băng thông, kết nối mạng hàng tháng của các xã chỉ khoảng 300.000 đồng/tháng cho thuê bao Internet (tương đương với mức sử dụng của 1 hộ gia đình). Máy tính, máy in, scan tại bộ phận “một cửa” đã cũ, chậm, không tương thích các phần mềm DVC. Hệ thống phần mềm, phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp, phần mềm của Bộ Công an chưa ổn định, dữ liệu chưa liên thông. Cổng DVC tỉnh: Giao diện của cổng không có hướng dẫn bằng video, âm thanh, bằng tiếng dân tộc. Các DVC thiết yếu chưa được hiển thị hay gợi ý ngay ở trang chủ dẫn tới khó tra cứu với người không rành công nghệ.

Đại biểu dự hội thảo đề xuất nhiều giải pháp mang tính chiến lược, khả thi nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của quốc gia cũng như sự hài lòng của người dân khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, như: Thúc đẩy hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy chuyển đổi số trong quản trị và hành chính công hiện nay; đầu tư nâng cấp hạ tầng về công nghệ thông tin mang tính hệ thống, thống nhất, kết nối đồng bộ; triển khai hệ thống chia sẻ liên thông quốc gia; nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ, năng lực xử lý công việc cho đội ngũ cán bộ thực thi các dịch vụ công trực tuyến; phát huy vai trò của các tổ hỗ trợ công nghệ chuyển đổi số cộng đồng tại địa phương; tăng cường giáo dục, tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến…   

Thời gian tới, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với 3 tỉnh và cơ quan chức năng phân tích sâu sắc hơn kết quả nghiên cứu. Từ đó, cung cấp các giải pháp mang tính ứng dụng cao; cơ quan chức năng liên quan của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp cùng Học viện hoàn thiện các kiến nghị chính sách đối với hệ thống văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo hướng “Thiết thực, thân thiện và thông suốt”. Học viện đề nghị UNDP tại Việt Nam, Đại sứ quán Ailen và các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành cùng Học viện trong quá trình nghiên cứu và tư vấn chính sách phục vụ chuyển đổi số quốc gia thành công, hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.