Phòng bệnh đường hô hấp khi thời tiết trở lạnh

Thứ Sáu 14:49 09/12/2022

Thời tiết miền Bắc trở lạnh đột ngột là điều kiện để các bệnh về đường hô hấp gia tăng, đặc biệt là với những người có sức đề kháng kém như trẻ nhỏ, người già, người bệnh.

Nhiệt độ thấp kèm với độ ẩm cao khiến người già rất dễ bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm đường hô hấp. Ảnh: Nguyễn Trung

Nguyên nhân gây bệnh hô hấp khi trời lạnh

Tại Hà Nội, trời trở lạnh đột ngột khiến số lượng người cao tuổi phải tới kiểm tra, thăm khám ở các bệnh viện tăng đột biến.

Một số bệnh thường gặp nhất trong bối cảnh thời tiết rét đậm như hiện nay là viêm đường hô hấp, viêm xoang, viêm phổi... Trong đó, các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gặp là cúm, viêm xoang, viêm thanh quản..., còn các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường gặp là viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi...

Đây là những căn bệnh có thể mắc quanh năm, nhưng dễ mắc hơn khi thời tiết trở lạnh. PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây viêm đường hô hấp, do vi khuẩn hoặc vi rút. Tuy nhiên, giai đoạn giao mùa là khoảng thời gian thời tiết chuyển lạnh, ánh sáng mặt trời ít hơn là điều kiện để vi rút sinh sôi nảy nở trong môi trường, đặc biệt là vi rút hợp bào hô hấp gây bệnh lý hô hấp.

Khi cơ thể nhiễm lạnh, bộ phận hô hấp đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên, gây viêm mũi, viêm họng, xoang... và từ đó, nhiễm trùng có thể lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản và phổi, viêm màng phổi.

Độ ẩm trong không khí giảm thấp trong thời điểm giao mùa cũng khiến sức đề kháng cơ thể kém, đó là nguyên nhân để bệnh hô hấp khởi phát. Sức đề kháng yếu khiến cho các loại vi rút, vi khuẩn cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

Ngoài các bệnh thông thường về hô hấp dễ mắc trong mùa đông, với bệnh nhân đã có bệnh hô hấp mãn tính như bệnh phổi tắc nghẽn, hen phế quản, thời tiết lạnh sẽ làm bệnh nặng thêm. Vào mùa lạnh hoặc khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm (đặc biệt là hít phải bụi mịn, bụi đường, khói công nghiệp, khói than...), bệnh dễ tái phát, gây khó thở.

Những căn bệnh nói trên thường có diễn biến nặng do không được phát hiện từ sớm và không được điều trị kịp thời. Bệnh có thể không nguy hiểm với người bình thường nhưng với người cao tuổi, người nhiều bệnh nền, nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng.

Không chủ quan với bệnh hô hấp

Việc giữ ấm cơ thể là biện pháp hàng đầu để phòng bệnh về đường hô hấp, bởi nhiệt độ thấp kèm với độ ẩm cao khiến người già và trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm lạnh, dẫn đến viêm đường hô hấp. Vì vậy, cần mặc ấm khi ra ngoài trời lạnh, giữ ấm mặt, cổ, ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm khi ra đường, đặc biệt là những người làm việc ngoài trời.

Khi không có việc thật cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó trời lạnh hơn. Ngoài ra, nên tránh luyện tập gắng sức khi trời lạnh, độ ẩm không khí cao hoặc môi trường nhiều bụi; không nên hút thuốc; tránh khói thuốc và khói bếp, nên ở trong nhà có môi trường ổn định khi đang có đợt cấp của bệnh phổi mạn tính.

Mỗi người cần chú ý vệ sinh cá nhân, giữ đường hô hấp sạch sẽ, làm sạch mũi mỗi ngày... để giảm nguy cơ viêm đường hô hấp. Để có sức đề kháng tốt, cần ăn uống đúng giờ, đủ các chất gồm đạm, tinh bột, chất béo và vitamin, chế độ sinh hoạt phải đảm bảo khoa học.       

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh liên quan đến đường hô hấp, những người có bệnh hô hấp mãn tính cần dừng ngay thói quen hút thuốc lá, thuốc lào, đặc biệt là những bệnh nhân bị viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang...

Các nhiễm trùng đường hô hấp trên thường do vi rút và điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Người bệnh có thể chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, tăng cường dinh dưỡng... Tuy nhiên, các nhiễm trùng do vi rút có thể bội nhiễm vi khuẩn, do đó, đôi khi phải điều trị thêm bằng kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy những triệu chứng như ho kéo dài từ 3 - 5 ngày, kèm theo sốt, đau ngực, khó thở... thì người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh nền cần chủ động đi khám và tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng lại đơn thuốc cũ hoặc tự mua thuốc, nhất là thuốc kháng sinh, vì có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm.