Vì sao tử vong do bệnh dại gia tăng?

Thứ Năm 9:50 07/03/2024

Từ đầu năm 2024, cả nước liên tiếp ghi nhận nhiều ca tử vong do bệnh dại. Tại Việt Nam, bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong trên người cao nhất trong 5 năm qua và xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

Theo Bộ Y tế, năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022. Số tiền tiêm vaccine phòng dại người dân phải bỏ ra cũng lên con số “khủng”.

90% trường hợp tử vong do không đi tiêm phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn

Ngay trong những ngày đầu năm mới, liên tiếp tại nhiều địa phương xảy ra các ca thiệt mạng do mắc bệnh dại. Ngày 6/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình xác nhận một người đàn ông sinh năm 1956, trú tại xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch cách đó 2 tháng bị 1 con chó thả rông cắn vào chân phải chảy máu, nhưng không tiêm vaccine. Hơn 1 tháng sau, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, đau nhức lưng, được nhập viện Việt Nam – Cuba Đồng Hới, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh dại vô phương cứu chữa, bệnh nhân đã tử vong. 

Trên các đường phố, vẫn còn tình trạng chó thả rông.

Vào giữa tháng 1/2024, anh N.T.K (38 tuổi, trú tại thị xã Đông Hoà, tỉnh Phú Yên) được đưa vào bệnh viện tỉnh với biểu hiện tức ngực, khó thở, sợ nước. Cách đó 3 tháng, anh này bị một con chó lạ xông vào nhà cắn vào tay trái. Vì con chó đeo sợ dây xích nên bệnh nhân nghĩ rằng dây xích làm xây xát da và không đi tiêm phòng dại. Gia đình xin cho bệnh nhân xuất viện và đưa vào Nha Trang khám, sau đó bệnh nhân tử vong.

Gần 1 tháng sau đó, cũng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, một con chó lạ chạy vào nhà ông N.V.Đ (60 tuổi, trú tại thị trấn Chí Thành, huyện Tuy An), ông Đ đánh đuổi con chó và không may bị chó cắn vào tay trái xước xát, chảy máu. Ông Đ chủ quan không tiêm phòng, 15 ngày sau ông có biểu hiện mệt mỏi, sợ nước, sợ gió nên được người nhà đưa đến bệnh viện. Hai ngày sau, ông Đ tử vong. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên đã điều tra dịch tễ, tư vấn cho 15 người tiếp xúc gần với ông Đ tiêm vaccine phòng dại.

Đau xót hơn khi vào tháng 2 vừa qua, một bé gái 4 tuổi ở xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận tử vong vì bệnh dại do bị con chó nhỏ nhà hàng xóm cắn nhiều nhát sâu vào vùng mặt, trán, quanh mắt, gò má. Người nhà đưa bé đi điều trị thầy lang mà không xử lý vết thương bằng xà phòng, không tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại. Năm ngày sau, bé gái có dấu hiệu nôn, mệt được đưa đi bệnh viện cấp cứu, sau đó chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh nhưng không qua khỏi.

Theo Bộ Y tế, mặc dù được tuyên truyền, song bệnh dại có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương, kể cả ở những tỉnh không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại. Tình trạng chó mèo không tiêm phòng dại, thả rông không rọ mõm, cắn người đi đường vẫn còn rất nhiều. Vì vậy, bệnh dại có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương, kể cả ở những tỉnh không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại. Năm 2023, các địa phương ghi nhận số tử vong cao là Gia Lai (14), Nghệ An (7), Bình Phước (7), Điện Biên (6), Bến Tre (5).

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, có đến 90% trường hợp tử vong do không đi tiêm phòng bệnh dại. Nhiều người còn chủ quan, nghĩ chó mèo nhà nuôi không mắc bệnh dại, nên khi bị cắn đã không đi tiêm. Có người do khó khăn, cũng có người do tiếc tiền, ở xa nơi tiêm nên đã không đi tiêm, hoặc tiêm được 1 -2 mũi thì bỏ. Đặc biệt, nhiều trẻ em khi bị chó mèo cắn không nói với bố mẹ, bố mẹ lại không để ý, tới khi con phát bệnh dại thì đã muộn.

Tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng tiêm vaccine phòng dại

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), năm 2023 có gần 500.000 người phải tiêm vaccine phòng dại với giá mỗi liều là 1,2-1,7 triệu đồng, ước tính người dân phải bỏ ra khoảng 600 tỷ đồng. Ngoài ra, nước ta cũng phải tiêm phòng dại cho 8 triệu con chó, mèo, mỗi mũi khoảng 50.000 đồng.

Theo BS Bạch Thị Chinh, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, chỉ trong 2 ngày (từ mùng 4 đến mùng 6 Tết), VNVC ghi nhận hơn 3.000 người đến tiêm phòng dại, tăng hơn 60% so với ngày thường. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ghi nhận 1 tuần sau Tết, có tới 90 trẻ em phải nhập viện vì chó, mèo cắn và cào. “Vaccine dại được khuyến cáo cần tiêm đủ phác đồ trong lần tiêm đầu tiên sau phơi nhiễm. Các lần tiêm sau chỉ cần bổ sung 2 mũi. Đối với vết thương nặng, cần kết hợp tiêm huyết thanh, tùy vào mức độ vết thương, bác sĩ có thể tư vấn tiêm thêm vaccine uốn ván”, BS Chinh cho biết.

Theo khuyến cáo của chuyên gia y tế, tiêm càng sớm càng tốt, trong vòng 6h được xem là tiêm phòng sớm, còn sau 6h được gọi là tiêm phòng muộn. BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian ủ bệnh dại thường từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Vì vậy, phải tiêm phòng càng sớm càng tốt vì khi đã phát bệnh dại thì gần như 100% là tử vong.

Theo các chuyên gia dịch tễ, Bộ NN&PTNT phải tăng cao tỷ lệ tiêm phòng dại đối với đàn chó, mèo hiện nay, bởi còn một số lượng không nhỏ chó mèo chưa được tiêm phòng, gây nguy hiểm cho con người và xã hội. Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, TP xem xét miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí tiêm vaccine phòng dại sau phơi nhiễm cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số…