Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 có chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 trên phạm vi toàn quốc. Dịp này, 5 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương được thành lập, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố.
Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm vừa ban hành Kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội kiểm tra một siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến các địa phương; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã vào cuộc và tạo được sự chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, công tác này còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.
Cụ thể, xuất hiện việc nhập lậu một số thực phẩm nguy hại, nhiều loại thực phẩm với hình thức kinh doanh mới (như kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng xã hội đa quốc gia) khó quản lý. Trong khi đó, năng lực hậu kiểm còn hạn chế; thiếu hụt lực lượng triển khai, nhất là ở cấp huyện, cấp xã…
Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy và các cấp chính quyền, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 có chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Dịp này, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm trung ương giao các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức 5 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố, gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hưng Yên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La.
Ở cấp địa phương, các đoàn kiểm tra liên ngành từ các xã, phường đến tỉnh, thành cũng sẽ được thành lập.
Ban Chỉ đạo liên ngành yêu cầu kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý, những vi phạm về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
“Các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật; tuyệt đối không để thực phẩm không bảo đảm an toàn được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra lưu thông trên thị trường. Cùng với đó, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm. Áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm…”, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm trung ương yêu cầu.